Ông Dương Văn Ngộ, người cuối cùng giữ nghề xưa cũ

Là người chuyển ngữ các bức thư sang tiếng Anh và Pháp, ông Dương Văn Ngộ nhận được lòng quý trọng của khách hàng người Việt và du khách nước ngoài.

Bên trong tòa nhà bưu điện trung tâm Sài Gòn, có một cụ già giản dị nhưng luôn ăn vận chỉnh tề, tác phong khiêm nhường và sẵn sàng kể những câu chuyện về Sài Gòn cho du khách nghe. Đó là ông Dương Văn Ngộ, người dịch và viết thư thuê lâu năm nhất ở Việt Nam.

Viết thư để quảng bá cho đất nước

Dù đã ở tuổi 86, ngày ngày ông Ngộ vẫn đạp xe từ nhà ở Thị Nghè tới Bưu điện. Mỗi lá thư viết hoặc dịch hộ, ông chỉ nhận của khách 10.000 – 15.000 đồng không hơn. Tuy nhiên, từ lâu ông đã không coi công việc này chỉ để kiếm sống, ông làm nó vì yêu nghề và muốn quảng bá cho đất nước.

Ông Dương Văn Ngộ cẩn trọng dùng kính lúp đọc từng câu chữ của khách rồi dịch và viết thư. Ảnh: Mỹ Phượng

Ông Dương Văn Ngộ gắn bó với bưu điện thành phố 70 năm nhưng làm ở nhiều vị trí. Năm 36 tuổi, ông được bưu điện cho đi học tiếng Anh và Pháp để phục vụ công việc. Đến nay, ông làm nghề viết thư thuê được 26 năm. Ông cẩn trọng dùng kính lúp đọc từng câu chữ của khách rồi dịch và viết thư. Ảnh: Mỹ Phượng

Mỗi ngày có hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước tới Bưu điện thăm thú. Nhiều người tìm đến ông để chụp hình hoặc nhờ ông viết thư vì kính trọng sự tỉ mẩn trong cách dịch và viết thư. Ông cũng giới thiệu với khách du lịch về những câu chuyện Sài Gòn xưa và nay, gợi ý họ nên thăm thú nơi đâu. Bằng sự hiểu biết, khiêm nhường và nhiệt tình của mình, ông đã mang lại cho khách du lịch một hình ảnh đẹp về con người Việt Nam.

Hàng trăm cánh thư ngoại quốc gửi tặng

Chính vì thế, ông Ngộ còn nhận lại rất nhiều thư từ và hình ảnh mà bạn bè quốc tế gửi tặng. Có những câu chuyện ông không còn nhớ chính xác bối cảnh nhưng cũng có những cánh thư ông không bao giờ quên.

Đó là về một cặp vợ chồng người Pháp sang Việt Nam để tìm lại địa chỉ ngôi nhà cũ mà cha mẹ họ từng ở từ năm 1956 đến 1958. Tình cờ ghé thăm bưu điện và họ may mắn gặp được ông Ngộ – người từng trải qua nhiều thăng trầm của thành phố. Với những miêu tả sơ qua về đặc điểm ngôi nhà cần tìm, hai du khách Pháp đã được ông Ngộ dẫn tới một nơi cạnh Tòa Đại sứ Pháp xưa. Họ chụp và gửi lại hình ảnh cho anh chị em của mình để xác nhận. Sau đó, cặp vợ chồng vui mừng gửi thư cảm ơn ông vì đã tìm được nơi ở cũ.

Những lá thư du khách nhiều nơi gửi lại ông Ngộ.

Những lá thư du khách nhiều nơi gửi lại ông Ngộ. Ảnh: Mỹ Phượng

“Ông chính là một hình tượng đặc trưng của lòng tử tế và sự thánh thiện của người Việt Nam”, câu cuối cùng trong lá thư mà hai du khách Pháp gửi lại, trước khi ông Ngộ viết thư chúc mừng gửi đi. Mỗi lá thư phản hồi người gửi, ông đều cẩn trọng viết và sao lại một bản qua giấy than để giữ làm kỷ niệm.

Một câu chuyện khác về tình mẫu tử của cặp mẹ con Việt – Pháp cũng làm ông rất cảm động. Sau kháng chiến, người con trai theo cha trở về Pháp và khi lớn anh trở về Bình Phước tìm lại mẹ. Họ gặp lại nhau và từ đó bắt đầu thư từ qua lại.

Rất nhiều năm trôi qua, bà mẹ vẫn lặn lội từ Bình Phước lên bưu điện Sài Gòn để nhờ ông Ngộ dịch thư sang tiếng Pháp, và gửi cho con trai đều đặn 2 – 3 tháng một lần. Qua thời gian, người đàn ông Pháp không chỉ gửi thư tay cho mẹ, mà còn gửi riêng những lá thư thể hiện sự cảm kích sâu sắc đến cụ ông đã luôn miệt mài truyền tải thông điệp cho hai mẹ con.

“Niềm vui như nhân đôi khi ta cho đi và nhận lại rất nhiều”, ông Ngộ kể về câu chuyện lâu năm với rất nhiều hạnh phúc vì luôn được là người mang sứ mệnh rút ngắn những khoảng cách.

Du khách gửi tặng ông Ngộ những tấm hình chụp chung vì sự mến mộ nhân cách của ông.

Du khách gửi tặng ông Ngộ những tấm hình chụp chung vì sự mến mộ nhân cách của ông. Ảnh: Mỹ Phượng

Ông Ngộ cho biết mỗi ngày có 30 – 40 lượt khách muốn chụp hình chung với ông và rất nhiều người đến hỏi chuyện. Tuy khá mệt nhưng ông luôn nhiệt tình đáp lại khi được khách hỏi thăm.

Do tuổi đã cao, lãnh đạo Bưu điện tạo điều kiện để ông có chỗ nghỉ trưa mát mẻ nhưng ông từ chối vì sợ có sự cố gì sẽ làm nhân viên ở đây khó xử. Vì vậy, ông chọn việc ra các quán cơm gần đó gọi suất cơm chỉ vẻn vẹn 10.000 đồng và nghỉ trưa lại.

Người đàn ông viết thư thuê luôn tâm niệm một điều: “Còn khỏe mạnh để phục vụ công chúng đến bây giờ là nhờ trời và mình cần sống khiêm nhường, đạo đức nhất có thể”.

Theo: vnexpress.net