Chuyện về một nông dân được Chủ tịch nước gửi thư khen

Đó là ông Dương Xuân Quả (tên thường gọi là Năm Nhã), một nông dân ở xã Phú Hưng, huyện Phú Tân (An Giang). Trong thư, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết: “Tôi đánh giá cao việc một nông dân bình thường, không được đào tạo chuyên môn, nhưng với niềm say mê, sáng tạo và tấm lòng vì bà con nông dân đã làm ra sản phẩm thiết thực, phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp nước ta…”.

Sản phẩm mà Chủ tịch nước nhắc đến là hệ thống lò sấy lúa tiện lợi, hiệu quả, giúp giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng hạt gạo… Sinh ra ở vùng chuyên canh lúa nếp Phú Tân, ông Quả luôn trăn trở với hình ảnh cơ cực của nông dân khi thu hoạch vào mùa mưa, lúa nếp không thể phơi được trong khi lò sấy lúc bấy giờ còn ít, quy mô nhỏ, không đáp ứng kịp nhu cầu. Nếu sấy được thì chi phí cũng cao, nông dân không có lời. Ý tưởng thiết kế loại lò sấy có thể sấy nhiều, nhanh và rẻ luôn ấp ủ trong đầu ông Quả.

Ông Dương Xuân Quả tự điều khiển hệ thống sấy tự động.

Có 5 ha đất, ông cầm hết 3 ha để có tiền nghiên cứu lò sấy. Khổ nỗi, do thiếu kinh nghiệm, nhiều người chưa tin tưởng nên ông Quả phải… năn nỉ khách hàng cho lắp đặt thử mô hình sấy. Việc làm ăn thua lỗ, đến năm 2002, ông Quả gần như trắng tay. Không nản, ông Quả bôn ba khắp nơi làm thợ sắt, thợ hàn… tích cóp vốn để tiếp tục nghiên cứu lò sấy lúa. Trời không phụ lòng người. Cuối năm 2003, một khách hàng ở xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới (An Giang) đồng ý cho ông Quả xây dựng lò sấy lúa, sau đó là những nơi khác. Năm 2005, ông bắt đầu sản xuất quạt lò sấy. Vừa xây dựng lò, vừa nhận sửa chữa, ông Quả được bà con tín nhiệm nên đơn hàng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, nhận thấy các lò sấy nhỏ hiệu quả không cao, ông thành lập DNTN Năm Nhã để sản xuất lò sấy có công suất lớn, giảm giá thành trên mỗi mẻ sấy. Khách hàng của ông trải dài từ miền Bắc đến miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, sang cả Campuchia. Riêng ở ĐBSCL, từ năm 2007 đến nay, có hơn 1.300 lò sấy đã được DNTN của ông Quả lắp đặt. Bản thân ông cũng nhận được nhiều giải thưởng, Bằng khen cho mô hình lò sấy cải tiến.

Lò sấy lúa tĩnh vỉ ngang tự động đầu tiên ở Việt Nam.

Mặc dù đạt được nhiều thành công, nhưng ông Quả vẫn chưa thỏa mãn. Mơ ước của ông là thực hiện thành công “Mô hình sấy lúa tĩnh vỉ ngang tự động”. Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi chi phí lớn nên một mình ông không kham nổi.

Cuối năm 2010, nhu cầu sấy lúa ở ĐBSCL lên đỉnh điểm, ông Quả đem ý tưởng của mình gõ cửa nhiều cơ quan nghiên cứu, các ngân hàng nhờ hỗ trợ nhưng đều bị từ chối. Tình cờ, được sự giới thiệu của Hiệp hội doanh nghiệp An Giang, tháng 2/2011, ông đến tham dự Hội thảo về Chương trình hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu (GCF), trình bày ý tưởng với cố vấn GCF và được lắng nghe. Sau đó, ông quyết định chuyển doanh nghiệp từ huyện Phú Tân xuống TP Long Xuyên (An Giang) để tiếp cận khách hàng tốt hơn và xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu. Tháng 3/2012, ý tưởng của DNTN Năm Nhã vinh dự nằm trong số 5 dự án được Chính phủ Đan Mạch (DANIDA) tài trợ thông qua GCF tại An Giang.

Được hỗ trợ 50% chi phí nghiên cứu, ông khẩn trương hoàn thiện hệ thống lò sấy có cầu trục tự động, giúp giảm 2/3 số nhân công vận hành, tiết kiệm thời gian vận chuyển, công suất sấy đạt 100 tấn/mẻ… Ngày 26/6/2013, DNTN Năm Nhã đã khánh thành hệ thống “Lò sấy lúa tĩnh vỉ ngang tự động” đầu tiên tại Việt Nam. So với lò sấy lúa thông thường, chi phí xây dựng mô hình mới cao hơn (3,16 tỷ đồng so với 2,22 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận trên mỗi kg lúa đạt 40 đồng (sấy thường lợi nhuận 20 đ/kg). Do vậy, thời gian thu hồi vốn của mô hình sấy mới còn 1,5 năm (sấy thường là 2 năm)… “Đến nay, có khá nhiều đơn hàng ở khắp các tỉnh ĐBSCL, miền Đông, yêu cầu lắp đặt lò sấy tĩnh vỉ ngang tự động. Tôi vui vì kinh doanh có hiệu quả, công nhân có việc làm thường xuyên, nhưng vui nhất là ý tưởng ấp ủ bao năm nay đã thành hiện thực” – ông Quả cho biết.

Trích thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:

“…Tôi mong rằng, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trên cả nước ta xuất hiện thật nhiều những ông “vua” như Năm Nhã, không chỉ trong nông nghiệp mà trên mọi lĩnh vực sản xuất. Tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể hết sức quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện để người lao động phát huy tinh thần sáng tạo, tự lực tự cường, biết áp dụng khoa học công nghệ để chế tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích cho nền kinh tế nước nhà…”