Hắn muốn đem kiến thức và trải nghiệm thực tế, giúp người dân thoát nghèo, vì hắn thấy rõ tiềm năng to lớn từ những bản làng hẻo lánh.
Hắn có nhiều biệt danh. Tổng cục Du lịch gọi Bình Râu vì hắn để ria mép. Mấy người làm du lịch cộng đồng phía Bắc gọi hắn là bác Bình, xưng con. Có người gọi Bình Tiên, vì hắn đem việc làm, thu nhập và giàu có cho dân vùng sâu. Mấy đối thủ gọi hắn Bình Điên, vì suốt ngày ba cùng, không chỉ giúp mà còn bênh vực, bảo vệ quyền lợi bà con.
Hắn không thích mấy tên gọi đó. Là Bình Râu, bác Bình sợ bất kính. “Tui mà Tiên gì, quỷ thì có, thấy gái đẹp là mê. Tui chỉ điên với những đứa suốt ngày tìm cách ăn chặn các dự án giúp dân”.
Tôi gọi hắn là Bình Homestay. Hắn có vẻ khoái từ này. Homestay ở Việt Nam giờ vô thiên lủng, chỉ mình hắn làm hiệu quả, được cả Tổng cục Du lịch và quốc tế thừa nhận.
Hắn là ai?
Vẻ phong trần của ông chủ công ty CBT chuyên về tư vấn làm homestay
Tên đầy đủ cha mẹ đặt cho hắn từ lúc mới đẻ là Dương Minh Bình. Hắn bảo: “Tui tuổi gà, nên phải luôn bươi chải”. Nhìn hắn già hơn tuổi vì để râu mép, lại ăn mặc tuềnh toàng, đi xe cà tàng. Gần đây hắn chỉ đi xe đạp, phong cách rặt Nam bộ. Mới gặp lần đầu, nhiều người ngỡ hắn là kẻ lãng tử nghèo khó.
Nhà hắn 3 tầng, tự thiết kế, tĩnh lặng trong hẽm cụt ở Bình Thạnh. Thi thoảng mới thấy vợ hắn đến ở chung. Tính hắn nóng nảy, gia trưởng; được cái tốt bụng. Hắn ít nói về mình. Có lần, vợ hắn kể: “Trước 1975, ba chồng em là chủ hãng Vinacafe Biên Hòa. Bị tịch biên, gia đình khánh kiệt. Anh Bình bỏ học, đi đạp xích lô rồi bán thuộc tây chợ đen. Anh đi “tìm đường cứu thân”, hai lần thất bại, bị bắt, được thả; tiếp tục ra chợ trời…”
Những năm đổi mới, nhờ vốn tiếng Pháp, hắn được nhận vào Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Sài Gòn, làm nhân viên thị trường châu Âu. Trải 12 con giáp lăn lóc trường đời, lại giỏi ngoại ngữ, hắn nhanh chóng được tin cậy. Tour liên tuyến châu Âu 12 ngày (VCCI Sài Gòn tổ chức, là tour đầu tiên của Việt Nam) do hắn thiết kế, làm hướng dẫn viên; đến nay vẫn được nhiều công ty sử dụng. Hắn là một trong những người tiên phong mở tour outbound từ Việt Nam đi các thị trường xa. Đời hắn lên hương, vi vu thế giới, rủng rỉnh tiền bạc.
Năm năm làm viên chức, hắn chán, bỏ ra làm cho doanh nghiệp du lịch nhà nước. Được vài năm, hắn lại chán, chuyển qua làm việc cho tư nhân và liên doanh. Công việc không mới nhưng áp lực, hắn vẫn nhanh chóng vượt qua và thích nghi. Đi nhiều và học được nhiều thứ. Từ cách suy nghĩ, lập kế hoạch, giờ giấc đến tác phong và thái độ làm việc. Rồi hắn chán cảnh làm thuê, dù lương và thu nhập khá. Hắn tự thấy mình không còn trẻ để bon chen và ngán cảnh nai lưng làm giàu cho chủ nước ngoài, trong khi dân mình “nghèo cứ hoàn nghèo”.
Sau 7 năm làm thuê, hắn bỏ ngang công việc. Không phải để làm chủ mà để làm những gì mình thích. Hắn muốn đem kiến thức và trải nghiệm thực tế, giúp người dân thoát nghèo, vì hắn thấy rõ tiềm năng to lớn từ những bản làng hẻo lánh. Hắn thấy nhiều bất cập của các homestay đang hoạt động. Làm du lịch từng trải, hắn biết rõ du khách từng thị trường muốn gì, cần gì khi đến Việt Nam.
Là con nhà giàu, học trường Tây; cách sống hắn giản dị nhưng vẫn Tây. Hắn khoái ăn bánh mì, trứng, các loại bơ, trái cây và những món dân dã. Hắn không ăn được các món cá da trơn, cá nhỏ, ếch, chuột, rắn. U70 nhưng hắn mày mò học nên thành thạo vi tính, tận dụng hiệu quả các phần mềm cài đặt. Từ việc đo đạc bàn đồ hành trình, khoảng cách, độ cao thấp cho đến việc thiết kế sản phẩm. Hắn còn vẽ thiết kế từng mẫu nhà homestay 3D, không đụng hàng.
Hắn hướng dẫn dân từ việc chọn vật liệu xây dựng, trang trí, lễ tân, làm phòng cho đến việc nấu nướng, pha chế như đầu bếp chuyên nghiệp. Với 50.000 đồng, hắn chỉ dẫn các homestay làm buffet sáng cho khách đoàn từ 20 người trở lên…Đi đâu hắn cũng kè kè máy ảnh và chụp có nghề. Hễ thấy cái nào lạ, dù ở xó xỉnh nào, từ nhà dân, các khu du lịch, trạm dừng… cả trong và ngoài nước, là hắn săm soi chụp làm tư liệu.
Làm homestay
Nghỉ làm thuê, hắn lập một công ty nhỏ để chính danh giúp dân. Gọi là công ty, chứ chỉ có mình hắn chuyên trách, mấy người khác là cộng sự. Hắn làm tư vấn rồi set-up cho mấy khu nghỉ dưỡng cao cấp, liên kết với các tổ chức phi chính phủ (NGO) và một số chuyên gia tư vấn có tên tuổi. Cũng học được nhiều cái hay nhưng hắn không chịu nổi thói ăn chặn dân nghèo. Từ việc lớn như kê khống chi phí tư vấn, quà tặng các hộ làm homestay cho đến việc xà xẻo tiền bồi dưỡng của từng học viên, dù chỉ vài chục ngàn. Hắn lắc đầu ngao ngán: “Tụi nó đâu nghèo đói gì. Toàn dân trí thức, học nước ngoài về”.
Hắn chán, không thèm hợp tác vì không muốn tiếp tay cho cái xấu. Tự làm mình, chủ động và thanh thản. Dự án đầu tiên hắn nhận vào cuối năm 2012, ở Mai Hịch, Mai Châu, Hòa Bình của NGO vì các chuyên gia khác chê. Cùng ở Mai Châu, cùng là người Thái nhưng Mai Hịch nghèo xơ xác, nhà cửa thấp nhỏ, bản dơ và xấu, đường khó đi… Khi hắn nhận, mấy homestay bên Bản Lác, cách đó hơn 14 km, cho rằng hắn điên vì bản Lác đã nổi tiếng cả thế giới, còn Mai Hịch, trong nước còn chưa ai biết.
Hắn 3 cùng với dân bản cả tuần, khảo sát, tìm hiểu và lựa chọn gia đình anh Hà Công Minh; chồng mới học lớp 4, vợ mù chữ. Cả nhà lẫn 700m2 đất lúc đó rao bán 70 triệu đồng (khoảng 2 cây vàng), không ai thèm ngó. Hắn hì hục vẽ thiết kế, cùng dân chọn và tận dụng các vật liệu rẻ, bền; rồi xắn quần, bắt tay san phá chuồng bò cũ, san lấp nền. Nhà thấp thì cơi sàn. Đoạn cột bê tông được ốp tre. Sàn trên chỉ để ngủ với nệm, ga, gối chuẩn khách sạn chứ không dùng chăn nệm bản địa và không ăn, ngủ chung chỗ như người Thái.
Chỗ ngủ ở homestay Mai Hịch, Mai Châu, Hoà Bình
Mỗi chỗ ngủ có màn che, đèn đọc sách và 2 ổ cắm điện riêng. Hắn thấy mấy ống tre làm thức ăn gia súc ngộ nghĩnh, liền thay đổi công năng, làm đồ để đũa và muỗng, nĩa độc đáo. Đèn thì dùng ống tre lớn, khoan lỗ. Mỗi đèn có chiếc quạt nan điều chỉnh hướng sáng, lúc mất điện, dùng làm quạt. Vật liệu toàn đồ dạt rẻ tiền, được cái độc đáo. Nhà lá thoáng mát, có hành lang rộng ngắm cảnh, hóng gió, đợi trăng. Mấy rulo tổ chảng của điện lực vứt chỏng chơ dọc đường, hắn và dân tha về, cưa đôi, phủ khăn làm bàn ăn. Ghế là mấy khúc gỗ thừa. Nhà vệ sinh thì “hở trên, lòi dưới”, chỉ kín ở giữa, thoáng sạch, không bí rị và hôi hám. Hắn tận dụng thổ cẩm, hoa văn người Thái; lấy ngô (bắp), bí đỏ và nông cụ trang trí. Cây giăng mùng, móc treo đồ, treo khăn tắm… đều là vật liệu tự nhiên.
Rồi hắn rủ bạn bè ở các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 5 sao về, cùng hắn cầm tay chỉ việc bà con. Từ chế biến món ngon theo nguyên liệu tại chỗ đến cung cách phục vụ. Để tránh các công ty lữ hành ép giá, homestay công khai giá cả mọi dịch vụ cho vé đoàn có hợp đồng và khách lẻ riêng. Hắn hì hục soạn qui chuẩn từng công việc cho. Chỗ ngủ tập thể nhưng tươm tất, sạch sẽ, có không gian riêng; được đón tiếp bằng welcome drink với trang phục dân tộc, dù chân đi dép tổ ong. Đội văn nghệ toàn các bà ngoại, bà nội, không còn xuân sắc nhưng nhiệt tình khỏi chê và đậm đặc chất Thái. Hắn còn làm bộ sản phẩm, nối kết các vùng phụ cận cho khách đến ở từ vài ngày đến cả tuần.
Nhờ mối quan hệ với các TO trong nước và quốc tế, hắn mời đến thẩm định và gởi khách. Homestay Minh Thơ (ghép tên hai vợ chồng), khai trương vào đầu năm 2013. Chủ nhân tâm sự “Chúng em tiếng Việt chưa sõi, nói chi tiếng nước ngoài. Mới đầu khách đến, hai vợ chồng giành nhau rửa ly, vì sợ ra ngoài khách hỏi đủ thứ. Chúng em có biết gì về du với lịch. Thấy bác Bình quá nhiệt tình, lăn xả nên tin và liều mạng làm theo”.
Liều vì dám thế chấp sổ đỏ, mượn anh em và vay nóng, được hơn trăm triệu. Chưa xong là khách đến ở. Có tiền lại bổ sung hoàn thiện dần. Năm đầu hơn 500 khách, mừng ơi là mừng. Năm sau hơn 2.000 khách. Tiến lành đồn xa, anh Minh phải vận động dân bản làm thêm 4 homestay. Thấy mấy bè tre cũ bỏ phế bên suối nhỏ ven bản, hắn liền khảo sát và cùng dân mở dịch vụ mặc áo phao, đi bè tre trên suối hơn 1.000m. Mỗi bè tối đa 4 người, mỗi người 80.000 đồng. Rồi mời dân mua xe đạp cho khách thuê. Du lịch cộng đồng là chia sẻ lợi ích, chứ không ôm trọn như doanh nghiệp. Homestay của hắn có 5 không: Không ma túy, Không rượu chè, Không cờ bạc, Không mại dâm, Không karaoke.
Cuối 2017, hắn bảo Minh cải tạo lại hồ cá làm hồ bơi sinh thái mini, lấy nước tự nhiên từ suối. Khách thích lắm. Năm 2018, homestay Mai Hịch đón hơn 20.000 lượt khách lưu trú, doanh thu đầu khách bình quân 600.000 đồng, được Tổng cục Du lịch vinh danh là “Điểm Du lịch Cộng đồng chuẩn Asean”. Bây giờ có người trả 4 tỉ đồng, chủ nhân không thèm trả lời. Mấy homestay bản Lác quan năn nỉ Minh Thơ nhường bớt khách.
Thừa thắng xông lên, hắn làm việc như trâu, dong ruỗi khắp núi rừng Tây Bắc, Việt Bắc; mấy tháng chưa về Sài Gòn. Các homestay do hắn tư vấn không “sinh sản vô tính”, tự phát; mà có kế hoạch và được chuẩn bị lần lượt ra đời ở các tỉnh. Tư vấn xong, đi vào hoạt động nề nếp, vẫn chưa yên tâm. Hắn cứ hẳn một đệ tử ruột người Thái, làm giám đốc bảo hành các dự án phía Bắc; tiếp tục đồng hành hỗ trợ bà con.
Bình Homestay cùng các nhân viên phục vụ ở Sin Suối Hồ, Lai Châu
Song kiếm hợp bích
Hắn tự nhận là nói không hay, viết lách lại càng tệ. Lâu nay chỉ biết hùng hục một mình, ít ai biết. Không hiểu là duyên hay số, năm 2015, trong hội thảo du lịch công đồng ở Bình Phước hắn quen và kết thân với Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours. Trong hội thảo, tay này phát biểu rất lửa. Lại nghe giang hồ đồn viết lách giỏi, ngang tang, hay làm từ thiện như “người cõi trên” nên cũng có chút cảm tình. Trong bữa ăn hai bên có dịp trò chuyện, gặp nhau ở chí hướng giúp dân nghèo. Thế là bén duyên. Tay này, chịu về làm trợ thủ cho hắn cũng lạ.
Hắn xuất thân con nhà giàu chính hãng, còn bạn hắn là hai lúa thứ thiệt, gốc nghèo tả tơi. Hắn nóng nảy, nguyên tắc; bạn hắn thì lãng mạn, cả tin. Vậy mà thành bạn thân, như “Song kiếm hợp bích”. Từ đây, mọi chuyện viết lách, từ công văn, kế hoạch cho đến quảng bá, nói chung là chuyện bếp núc, chữ nghĩa; có bạn hắn lo. Bạn hắn chuyên làm du lịch nội địa, còn hắn chỉ làm inbound. Bạn hắn dạy du lịch nên giúp hắn làm đề cương, cùng hắn tương tác trong các lớp “tập huấn” và huấn luyện thực hành, cầm tay chỉ việc.
Hắn và bạn mở Công ty Tư vấn – Dịch vụ & Phát triển Du lịch CBT, gọi tắt là CBT Travel, hay CBT. Bạn hắn là cựu cán bộ Thành Đoàn từ 1974, lão làng trong ngành du lịch, có quan hệ rộng rãi nên càng giúp hắn mở rộng hoạt động. Từ phía Bắc CBT Nam tiến vào Đồng Tháp với homestay Hoa Ếch (Sa Đéc), làng Hòa An xưa (Cao Lãnh) và nâng cấp phục vụ các điểm đến. Tháng 10/2019, khai trương homestay Cơ Tu (Hòa Bắc, Hòa Vang, Đà Nẵng) và homestay đảo Bé (Lý Sơn, Quảng Ngãi); đang hoàn thiện các homestay ở Tiên Phước, Quảng Nam.
“Song kiếm hợp bích” của làng homestay trong một chuyến khảo sát ở Bến Tre
Cuối năm 2019 hắn đang chuẩn bị khảo sát, lập dự án ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Phú Yên, Đak Lak, Gia Lai, Hậu Giang… Năm 2018, homestay A Chu (người H’ Mông) ở Hua Tạt, Vân Hồ (Sơn La) nhận bằng khen của Thủ tướng và được vinh danh là “Điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu nhất Việt Nam”.
Dự kiến các homestay do CBT tư vấn sẽ vượt 500.000 khách lưu trú trong 2019. Phấn khởi hơn là được quốc tế đánh giá cao. Năm 2017, sau khi khảo sát 150 homestay tại các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) và 200 dự án homestay ở châu Á và Mỹ La tinh; mô hình homestay do CBT tư vấn; được UNWTO cùng Đại học Griffth (Úc) giới thiệu tại hội nghị và phát hành trong sách “Managing Growth and Sustainable Tourism Governance in Asia and the Pacific” (Quản lý Tăng trưởng và quản trị du lịch có trách nhiệm tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bản quyền năm 2017).
Năm 2020, các homestay CBT dự báo đón 1.000.000 lượt khách lưu trú. Khen hắn và bạn giỏi, hắn chỉ cười bảo: “Giỏi giang gì, bọn này chỉ học lóm cái hay của thiên hạ rồi sáng tạo thêm, cái dở thì tránh. Người dân mới giỏi, nếu biết cách đánh thức nội lực”. Homestay CBT tư vấn không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu chính đáng, góp phần thay đổi môi trường sống và xây dựng nông thôn mới. Dự kiến từ 6-10/1/2020, các nhà học thuật của đại học Griffth (Úc) và UNWTO sẽ đến khảo sát các homestay CBT tư vấn, tọa đàm và bổ sung lý luận từ thực tiễn Việt Nam.
Thành công thầm lặng nhưng hắn và bạn vẫn đau đáu vì chưa làm được gì cho Sài Gòn, dù rất muốn. Có lẽ “Bụt nhà không thiêng”? Cả khu vực Tây Nam bộ đầy tiềm năng nhưng chưa thể so vai với homestay phía Bắc. Lãnh đạo Đồng Tháp quá tuyệt vời cũng chưa xoay chuyển được là mấy. Chưa có homestay đúng chuẩn. Chỉ đúng chuẩn mới được CBT bảo hành và hỗ trợ tìm nguồn khách từ các TO, điều mà homestay các nước chưa làm được.
Bạn hắn bảo: “Lâu nay, Nam bộ luôn đi trước, về sau. Nhưng với homestay chuẩn, biết đâu, miền Nam sẽ đi sau, về trước?”.
theleader.vn