Trong cuộc đời, quan hệ ngao du với nhiều người, thú thật, tôi rất e dè với những ai dù mới gặp lần thứ nhất nhưng đã vồn vã, tay bắt mặt mừng, quàng vai bá cổ, tâm tình thân thiết cứ như tri kỷ trăm năm. Liệu có đáng tin?
Lại không thích mẫu người, dù đã thân quen nhưng rồi trải dài theo năm tháng mối quan hệ đó chỉ dừng tại chỗ. Không thân hơn. Không nhạt hơn. Chẳng rõ tại mình, tại bạn hay tại mối duyên tri ngộ chưa đâm chồi bén rễ? Giữa tôi với nhà báo, nhà văn Dương Thành Truyền là trường hợp thứ hai.
Có ít nhiều kỷ niệm, lúc bia bọt bù khú lai rai “xả láng sáng về sớm”, tôi rất muốn kể lại nhưng rồi lại nín lời. Bởi lẽ, khi kể ra bạn chối phắt thì chỉ có “quê độ”. Thôi, cứ xem tình bạn chỉ đến thế. Chỉ nhợt nhạt bề ngoài như đã từng quen xã giao bao người khác.
Lâu nay, nghĩ là thế, nhưng rồi lúc đọc tập tạp văn Chuyện gái trai (NXB Trẻ) mới biết mình đã nhầm. Đã nghĩ không đúng về bạn, nghĩ bạn không nhớ gì về kỷ niệm cũ, nào ngờ, trong đó, hắn ta có kể lại chuyện lúc nửa đêm về sáng mà cánh báo chí, nhà văn, nhà thơ từ Sài Gòn về Vĩnh Long chờ thông xe cầu Mỹ Thuận.
Ối dào, trên mảnh đất yêu dấu này đâu cũng là quê hương, quê nhà của mình, đêm khuya ấy, tôi cứ ngỡ như đang ngồi bên dòng sông Thu Bồn của xứ Quảng.
Và đây, Dương Thành Truyền viết lại thật khéo: “Bữa nhậu có cháo trắng hột vịt muối, cá cơm dưa mắm; có trái cây miền Tây do nhà thơ nữ Văn Lệ Trinh và mấy anh ở Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Long chiêu đãi. Bữa nhậu do hai nhà thơ Nguyễn Thái Dương và Lê Minh Quốc thay phiên nhau làm chủ xị với hai “phong cách” khác nhau nha. Có cô thôn nữ 17 tuổi xinh xắn nói không đúng âm “r”, tận tình giúp đỡ chén dĩa, ly tách… Sương đêm ướt cả hai vai”.
Tập sách in từ năm 2000 mà 17 năm sau, tôi được đọc đoạn này. Thì ra, tính cách của bạn là thế, lúc nào cũng không tỏ ra vồn vập, khoe khoang gì cả, dường như luôn muốn giữ riêng cho mình một khoảng cách, Vì thế, khó thân thiết cũng dễ hiểu. Điều đó không quan trọng.
Ở đoạn văn trên, nay đọc, thú thật, tôi rất chú ý đến chi tiết: “Có cô thôn nữ 17 tuổi xinh xắn nói không đúng âm “r”. Chà, thì ra, sự quan tâm về tiếng Việt ở bạn đã hình thành từ năm tháng ấy. Đó là điều tôi không ngờ. Tại sao không ngờ?
Cứ như theo lý lịch trích ngang của Truyền thì từ tháng 8-1975 vào Đội, từ tháng 5-1977 vào Đoàn và sau đó, đi bộ đội rồi trở thành cán bộ Đoàn, là Phó Bí thư Thành đoàn TP HCM, Trưởng ban Tư tưởng văn hóa. Nếu dừng lại ở sự lựa chọn này, hiện nay, Dương Thành Truyền đã thế nào?
Trên cuộc đời, không bao giờ có từ “nếu”. Ngạn ngữ Pháp có một câu thật đáng suy ngẫm: “Với từ nếu, người ta có thể nhét cả Paris vào trong một cái lọ”. Đùng một cái, hắn ta nhảy qua làm báo, làm xuất bản và thật sự là một người chuyên cần cùng các con chữ, sống cùng các con chữ. Tình yêu dành cho tiếng Việt có tự bao giờ ở Truyền?
Tự hỏi như thế, vì như tôi đây mãi đến lúc ngoài ngũ thập mới có tập sách Lắt léo tiếng Việt là từ gợi ý của Truyền. Ngược lại hắn ta đã chăm chú, suy ngẫm về tiếng Việt từ thời đang còn là sinh viên. Vâng, đúng thế, từ thời ấy, Truyền đã tập trung chuyên luận về tiếng Việt: Di chúc của Bác Hồ – Một giáo trình tiếng Việt độc đáo, sau này, NXB Trẻ đã in thành sách.
So với các nghiên cứu trước đây của nhà ngôn ngữ như Trần Chút, Lê Xuân Thại, Bùi Khắc Việt… thì Truyền có ưu thế hơn khi được khảo sát từ các tài liệu gốc Di chúc của Bác Hồ đã được Đảng, Nhà nước công bố chính thức vào năm 1989.
Với sự đối chiếu, so sánh cẩn trọng các văn bản trên từ dấu chấm, phẩy đến từng chữ, từng câu – Dương Thành Truyền đã thực hiện một công trình mà nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân ghi nhận: “Đã có một công trình khoa học thực thụ về ngôn ngữ như thế”.
Ai đó đã nói rằng khi viết sách cũng là một cách học, từ chuyên luận trên anh đã rút ra bài học: “Rèn luyện cách nói, cách viết thể hiện sâu sắc tấm lòng yêu mến ngôn ngữ dân tộc, là góp phần làm cho tiếng Việt ngày càng trong sáng, ngày càng được quý trọng, ngày càng được phổ biến rộng khắp như lòng mong muốn của Bác Hồ”.
Không chỉ có thế, khi trò chuyện với tôi, Truyền cho biết cũng đã rút ra nhiều bài học thiết thực của một người làm công tác văn bản học…
Đành rằng, văn bản học là những gì các tác giả lớn đã ghi chép, đã lưu lại bút tích, nhưng Truyền không chỉ dừng lại ở mỗi công trình sáng giá trên mà còn tẩn mẩn, tỉ mỉ nhặt nhạnh từng vốn từ mới phát sinh.
Khác với những người làm công tác nghiên cứu chữ nghĩa trong phòng giấy, Truyền chú tâm hướng ra phía ngoài của bụi bặm, nắng gió, vòm xanh, vỉa hè… phía bên ngoài đời sống. Đơn giản hắn ta đã là một cán bộ Đoàn, một nhà báo chuyên nghiệp lúc nào cũng cần “săn chữ”, tìm đề tài.
Câu chuyện này lý thú quá, phải không? Tất nhiên rồi.
Ở đây, tôi chỉ khoanh vùng trong những từ mới mà anh em bộ đội đã “chế” ra cực kỳ thông minh, ngoạn mục. Và đã trở thành vốn từ không thể thiếu trong đời sống quân ngũ mà thế hệ chúng tôi đã trải qua.
Trong bài viết Sài Gòn tiến lên, Truyền chọn cách diễn đạt dí dỏm thân mật: “Sợ nhất là những quân bài lẻ chẳng dính dáng gì tới nhau, lính gọi là “cối” (vì mỗi lần chỉ chơi được một phát), còn dân kêu là “rác” (vì không lợi ích gì cho cam). Cầm bài lên thấy nhiều con rác, ta buột miệng kêu mình là “sở rác”, “sở vệ sinh”. Khi có cây “cối” to, dân gọi là “rác Mỹ”. Chẳng may ôm một đống cối trên tay, chờ mãi rồi cũng có người “cối” cho ta theo, vui quá ta hét lên mà rằng: “Chiến trường nào mà không có cối” (Thành phố nào mà không có rác)”.
Lại có lúc, trong quá trình “săn chữ”, anh đã có những phát hiện lý thú, đọc xong có thể tủm tỉm cười: “Một hôm khác tại một nhà hàng, một nhà thơ nói với một nhà báo: “Này, đưa cho anh mượn cái eo-đi (LD)”. Cả bàn đang ăn sáng bỗng mở mắt to nhìn nhau ngạc nhiên, không hiểu LD là cái kim khí điện máy thời thượng nào, dĩ nhiên sau đó có ngay đáp án: LD là lửa đốt, tức cái hộp quẹt, cái bật lửa để châm thuốc lá!
Cho nên, từ nay bạn đừng ngạc nhiên khi nghe một đại gia chém gió bằng câu “Tớ lúc này thường xuyên xài ba-gờ (3G)”. 3G là chuyện nhỏ, thời buổi này ai mà không biết sử dụng, anh đạp xích lô, chị bán vé số có khi còn dùng nữa là! Nhưng xin đừng hỏi lại, hỏi lại là mắc bẫy ngay, 3G của lão ấy chính là: gạo quê, gà quê và… gái quê!
Trên đoạn quốc lộ qua tỉnh Tiền Giang, thấy treo bên vệ đường tấm bảng “Vá F”, hiểu ngay là vá ép vỏ ruột xe… Thương hiệu thời trang “N&M” là Anh và Em… Nếu gặp một quán ăn chỉ ghi vẻn vẹn một con chữ Y thật to, đố bạn đoán biết nơi ấy bán gì? Y dài, tức I – cà – rếch, nói lái biến thành món ếch cà ri!
Lại nói về chữ Y. Công ty sách điện tử của NXB Trẻ dùng tên giao dịch là Ybook, với chữ Y từ tiếng Anh là Youth, nhưng không nói quai – búc mà vẫn đọc I – búc để đồng âm với Ebook: sách điện tử!”. Nói thật, không riêng gì tôi, nhiều người cũng há miệng ra cười một cái cho đã đời về sự lý thú của tiếng Việt mến yêu.
Nhà văn Phan Thị Vàng Anh lại khác, khi viết Bạt của tập bút ký Trên đường về nhớ đầy của Truyền, cô có viết: “Anh Truyền bao giờ cũng là người đúng giờ, đến đâu cũng thấy anh mở một quyển sổ tay ra ghi chép.
Lúc đó, tôi chỉ nghĩ: “Ghi ngay mà làm gì! Sau này cái gì còn đọng lại thì đọng lại, khi ấy viết mới hay”. Suy nghĩ ấy, liệu có đúng? Không hề. Vàng
Anh cho biết thêm: “Nhân có một biến cố, tôi quyết định ghi lại những gì đã trải qua trong chuyến đi, và một điều kinh khủng phải đối diện là: tôi không nhớ gì nhiều nữa. Những gì tưởng sẽ nhớ mãi. Nhưng ghi lên giấy thì mới biết chúng không mở ra thêm một ký úc dài hơi nào”.
Dương Thành Truyền lại khác. Máu nghề báo, tư duy nhà báo phải phản ánh sự kiện vừa lướt qua ngay lập tức, không để ấn tượng vụt trôi nhanh. Trôi qua mất hút. Ừ, thì cứ cho là thế, nhưng không khéo nó chỉ là thông tin, hư ảnh bên ngoài. Đâu là chiều sâu để neo lại trong lòng người đọc? Đôi lúc tôi cũng tự hỏi khi cầm nhiều tập bút ký du lịch tương tự, tôi đã hỏi điều đó.
Nhưng với Truyền lại có cách khác, biện pháp khác, thủ thuật khác là gì? Là sự đọc ghê gớm mà khi đối diện từ hiện thực đó, từ sự kiện đó, Truyền đã liên tưởng, mở rộng hơn bằng vốn tri thức đã đọc. Nhờ vậy, trang viết thoát khỏi, vượt ra một bài báo chỉ có tính cách ghi nhanh.
Không riêng gì Trên đường về nhớ đầy, ngay cả tập phiếm đàm Trái tim có hình hộ khẩu (NXB Trẻ), dù tự nhủ những trang viết của mình chỉ là: “Chuyện vặt, chuyện vớ vẩn, không đầu không đuôi, nhặt được bên đường, chép nghe chơi…”, nhưng hắn ta cũng vận dụng nội lực của sự đọc.
Mà thật ra thế hệ cầm bút chúng tôi như Dương Thành Truyền, Đoàn Tuấn, Đoàn Vị Thượng, Nguyễn Nhật Ánh… cũng vượt lên chính mình qua tự học vẫn là từ đọc đó thôi. Mà này, một khi đọc phiếm đàm chỉ là đọc cho vui?
Nhưng rồi, với nhiều nhà văn khi đọc họ, ta bất giác, bất ngờ nhận ra hầu hết những câu chuyện trong sách chẳng… chơi một chút nào. Nó nghiêm túc. Và sau khi đọc xong, ta giật mình vì ẩn ý sâu xa đã gửi gắm.
Hãy nghe Dương Thành Truyền kể “chuyện vặt”, chẳng hạn, có một bậc danh sĩ nổi tiếng, vang danh trong thiên hạ. Tài học, tài đọc không chê vào đâu được. Ai nấy đều ngả nón chào, kinh khiếp trước tri thức uyên bác, kiến văn sâu sắc. Ngày nọ, danh sĩ ghé chùa. Sau cuộc tiếp đón nồng hậu, sư trụ trì đưa khách lên phòng nghỉ ở lầu cao.
Sợ nơi xa lạ, khách khó ngủ bèn sai tiểu tăng đem sách lên cho khách đọc thư giãn đêm hôm. Các quyển sách cao siêu của học giả cổ kim may ra mới phù hợp với khách. Nào ngờ, nhận quyển sách nào, vị danh sĩ đều bảo: “Sách này vẫn còn thấp lắm”.
Cuối cùng, sư trụ trì bèn lên gác tàng kinh tìm ra bộ “Thánh nhân” dày cộm những 3 quyển, cả hàng ngàn trang và tận tay đem lên đưa cho khách. Lúc ấy, sư trụ trì đã thấy gì? “Bất ngờ thấy vị danh sĩ đã ngủ khò, đầu kê lên mấy cuốn sách mà nhà chùa vừa gửi lên mời đọc”.
Và đây mới là cốt lõi cần thiết: “Sư trụ trì bước xuống lầu, khóc một đoạn, cười một đoạn”. Tại sao? Ngụ ý gì? Câu hỏi ấy vẫn còn ngân vang đó đây.
Từ nhiều năm nay, Dương Thành Truyền đã chọn cho mình một bút pháp, một hướng đi không ồn ào và cũng không mấy xuất hiện trước đám đông để trở thành “nhân vật”.
Cứ lặng lẽ từng ngày đi “săn chữ” không phải nhờ vào những tiếng vỗ tay náo nhiệt nào cả. Viết đến đây, tôi dừng lại với cảm nhận của bạn mình khi đến Paris và cảm nhận: “Tục ngữ Pháp có câu: Ngay cả bụi cây nhỏ nhất cũng có cái bóng của nó. Người Mỹ cũng nói: Cái đồng hồ chết, vẫn có hai lần đúng mỗi ngày. Cho nên, chớ thấy sáng mà ngỡ là vàng, chớ thấy đen đã vội chê bẩn”.
Đời viết của mỗi người cũng không khác gì đâu. Và cứ thế, chẳng gì nôn nóng, chẳng gì huếnh hoáng, chúng ta – những người sống bằng nghề viết lại tiếp tục “săn chữ” mỗi ngày. Phải không, bạn mình ơi?”.
Lê Văn Nghệ