Nói về tuổi nghề, anh Dương Văn Mười thuộc lớp nghệ nhân trẻ có tiếng tại Thường Tín (Hà Nội).
Vốn sinh ra tại mảnh đất có truyền thống làm cây cảnh nên anh Mười đã sưu tầm nhiều cây cổ thiên nhiên và tạo tác chúng theo các dáng, thế khác nhau. Trên khuôn viên diện tích sân vườn hơn 1.000m2, hiện anh sở hữu nhiều tác phẩm và phôi cây có giá trị. Trong đó hai tác phẩm “Tiên lão giáng trần” và “Thành đồng Tổ quốc” của anh hội tụ đủ 4 yếu tố cổ – kỳ – mỹ – văn, được giới chơi cây cảnh cũng như công chúng đánh giá là “báu vật”.
“Tiên lão giáng trần” thực chất là cây sanh có tuổi đời vài trăm năm tuổi được anh Mười mua từ một nhà địa chủ xưa, gần nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình). Ban đầu đó là cây cổ thụ thiên nhiên lâu năm, người ta trồng trên hòn non bộ. Tuy nhiên bằng niềm đam mê, anh Mười đã tạo tác, chỉnh sửa dáng thế cây theo xu hướng chơi cây hiện đại song vẫn giữ được nét cổ của cây cảnh nghệ thuật truyền thống. “Theo sách cổ, tác phẩm có tên gọi “phụ tử kế công khanh” nhưng với mong muốn tác phẩm thực sự xứng tầm với thời gian, đọng lại cùng năm tháng, tôi quyết định đặt tên là “Tiên lão giáng trần”. Tên gọi này có ý nghĩa: ông tiên giáng xuống trần gian, mang tới tài lộc cho gia chủ. Giống như “quý vật tìm quý nhân” vậy, không phải ai cũng dễ dàng có được. Bằng đôi mắt của người làm nghề, tôi tập trung khắc họa hình ảnh một bô lão già nua nhưng vẫn uy nghi, lẫm liệt, kiêu hùng, hiên ngang. Về tổng thể, tác phẩm “Tiên lão giáng trần” như cây cổ thụ thiên nhiên thu nhỏ, cây có dáng trực, cao 1m7, đặt trong chậu dài 1,5m. “Báu vật” này có bộ rễ ôm mặt chậu, các rễ ăn đều ra tứ phía, thân cây nổi u bướu rất đẹp mắt. Bóng, tán của cây toát lên sự thanh thoát như những đám mây vần vũ đang bay lượn. Bên cạnh gốc có một cây nhỏ như con cháu vui đùa bên ông bà”, anh Mười chia sẻ.
Theo anh Mười, tác phẩm đã từng được “khách làng chơi” trả gần 12 tỷ nhưng anh chưa bán vì chưa xứng tầm với giá trị của cây.
Ái Liên