Trong giờ phút cuối tiễn biệt chị, tôi bùi ngùi nhìn mãi di ảnh của chị: mái tóc bạc và đôi mắt đượm buồn. Đôi mắt u uẩn của một con người trí thức có tấm lòng.
Tháng 6-1968, trong chiến khu kháng Mỹ. Từ trái sang: Ông Lê Quang Lộc, bà Dương Quỳnh Hoa, ông Lê Hiếu Đằng – ba thành viên Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam (ảnh tư liệu của ông Phạm Hy Tùng)
TTCN – Trong giờ phút cuối tiễn biệt chị, tôi bùi ngùi nhìn mãi di ảnh của chị: mái tóc bạc và đôi mắt đượm buồn. Đôi mắt u uẩn của một con người trí thức có tấm lòng.
Tôi gặp chị trong phong trào của các tầng lớp nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đấu tranh vì quyền dân tộc tự quyết, đòi hòa hình, chấm dứt chiến tranh xâm lược của Mỹ ở VN. Điều mà cho đến bây giờ tôi không thể nào quên là lần đầu tiên gặp chị vào năm 1965: một nữ bác sĩ nói tiếng Pháp như gió, giọng của người dân Paris thật sự và có một nụ cười giòn giã, sảng khoái, khỏe mạnh.
Sau đó gặp lại chị nhiều lần mới biết được chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước: ba chị là giáo sư Dương Minh Thới, một trí thức nổi tiếng ở Nam bộ; anh chị là luật sư Dương Trung Tín, một trí thức đã bị địch thủ tiêu vì những hoạt động yêu nước. Nhưng có một điều lúc đó tôi chưa từng biết: ngay trong thời gian học tập, hoạt động ở Pháp, chị đã là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp và sau này khi về nước chị đã bí mật tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN ngay từ những ngày đầu mới thành lập với bí danh là Thùy Dương.
Nhưng có lẽ thời gian tôi có để hiểu được bản chất tốt đẹp của người trí thức như chị là những năm tháng cùng nhau sống ở chiến khu. Năm 1968, trong khói lửa mịt mù của cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân, chị và nhiều nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ, nhà giáo, các nhà lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo, công thương kỹ nghệ gia, các sinh viên trong ban chấp hành Tổng hội và ban đại diện sinh viên các phân khoa Đại học Sài Gòn đã rời bỏ cuộc sống đầy tiện nghi của đô thị, vào chiến khu tham gia thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình VN.
Tôi vẫn nhớ như in cái đêm chị, tôi và nhiều vị khác âm thầm từ vùng Ba Thu Mỏ Vẹt vượt “đồng chó ngáp” lên địa điểm tổ chức đại hội thành lập liên minh. Là đại biểu nữ duy nhất trong đoàn thế mà chị vẫn đi thoăn thoắt, dường như không biết mỏi mệt dù cái tên gọi quãng đường “đồng chó ngáp” đã nói lên tất cả.
Rạng sáng hôm sau khi đến nơi, vừa quăng balô xuống đất, mặc dù mệt hả họng, tôi vẫn phải hỏi chị: Tại sao chị đi giỏi đến vậy? Chị tươi tỉnh cười phá lên nói nửa đùa nửa thật: Vì lúc ở Paris đi nhảy đầm nhiều nên chân rất khỏe. Cho đến nay, chị đã đi xa, tôi vẫn không hiểu chuyện ấy chị nói đùa hay nói thật.
Ngày 20-4-1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình VN ra đời với một ủy ban trung ương gồm 10 vị do luật sư Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch. Vài ngày sau, tòa án mặt trận vùng 3 chiến thuật của chính quyền Sài Gòn đem ra xét xử khiếm diện 10 vị trong ủy ban trung ương liên minh với bản án tử hình và tịch thu gia sản, trong đó có chị và tôi cùng anh Huỳnh Văn Nghị (sau này là chồng của chị).
Nghe tin trên, chị lại cười phá lên sảng khoái khiến tôi phải giật mình nhắc nhở chị đây là khu căn cứ cần phải bảo mật, không phải như lúc còn ở Sài Gòn. Anh chị em cán bộ công nhân viên cơ quan, từ chị nuôi cho đến các chiến sĩ bảo vệ, ai cũng thương tính tình hồn nhiên, tươi trẻ của chị và sức chịu đựng gian khổ hiếm có trong những lúc khó khăn, ác liệt nhất.
Năm 1970, sau vụ đảo chính của Lon Non ở Campuchia, Đỗ Cao Trí, tư lệnh vùng 3 chiến thuật của quân đội Sài Gòn, đã mở trận càn Đông Dương đánh qua đất Campuchia. Để bảo đảm an toàn, các cơ quan xung quanh Trung ương cục miền Nam phải vượt lộ 7. Và trong cái đêm vượt lộ 7 không bao giờ quên đó, chị đã sinh được một cháu trai xinh xắn trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng lúc bấy giờ. Có lẽ đó là kỷ niệm khó phai đối với những người đã từng tham gia cuộc hành quân vượt lộ 7 và đã chứng kiến cảnh chị sinh con trong hoàn cảnh như thế nào. Nhưng ác nghiệt thay, sau đó vài tháng đứa con thân yêu của chị đã mất sau những cơn sốt rét dai dẳng.
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chị đã từ bỏ mọi điều kiện ưu đãi của xã hội lúc bấy giờ để chấp nhận lao vào cuộc chiến đấu trong lòng nội thành Sài Gòn mà nguy cơ bị bắt, tra tấn, tù đày, thủ tiêu rình rập từng ngày, từng giờ và khi cần thiết chị đã dứt khoát thoát ly gia đình vào chiến khu như những chiến sĩ thật sự. Và thực tế chị đã là một chiến sĩ trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do cho đất nước.
Ngày hòa bình lập lại, một lần nữa chị lại chọn lựa cho mình con đường đi mà ít ai trong hào quang của chiến thắng lại chọn lựa: chị âm thầm rời bỏ mọi bả lợi danh, chức quyền để trở về với thiên chức cao quí của người bác sĩ, nhất là bác sĩ nhi khoa. Trong bối cảnh của một đất nước đang bị chế độ quan liêu bao cấp hành hạ, chị đã cùng với một số đồng nghiệp xây dựng nên Trung tâm nghiên cứu nhi.
Với uy tín của chị trong quan hệ quốc tế, có thể nói lúc bấy giờ Trung tâm nghiên cứu nhi là một nơi có đầy đủ phương tiện, thức ăn dinh dưỡng để nghiên cứu, chữa bệnh và nuôi các cháu bé còi cọc, suy dinh dưỡng do hậu quả của chiến tranh hoặc do hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề lúc bấy giờ, trong đó có không ít là con cán bộ, chiến sĩ từ chiến khu về.
Trong lễ tang chị, tôi đã gặp biết bao người ứa nước mắt nhắc lại công lao này của chị và tập thể bác sĩ, cán bộ, công nhân viên của Trung tâm nghiên cứu nhi thời ấy. Bây giờ con cái họ khỏe mạnh, trưởng thành, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Gia đình tôi cũng đã chịu ơn chị. Ở đây tôi cũng cần nói một điều mà có người đã biết nhưng nhiều người chưa biết: đó là vai trò của anh Huỳnh Văn Nghị, chồng chị.
Trong mỗi bước đi của chị đều có sự âm thầm, lặng lẽ đóng góp của anh Nghị. Đây không phải đơn giản là mối quan hệ vợ chồng đầy tình nghĩa mà là một đôi tri âm tri kỷ, đồng điệu, chia sẻ với nhau những quan niệm sống và làm việc mà ít cặp vợ chồng nào có được. Chị mất đi để lại một khoảng trống thương tiếc khôn nguôi cho chồng chị và mọi người.
Con đường mà chị Dương Quỳnh Hoa lựa chọn là tấm gương của người trí thức chân chính đã biết từ bỏ mọi tiện nghi của cuộc sống để trở thành người chiến sĩ bảo vệ đất nước khi Tổ quốc cần và cũng biết âm thầm từ bỏ mọi bả vinh hoa, phú quí, quyền lực để trở thành một người công dân bình thường giúp ích cho đời, cho xã hội. Tất cả đều là phù du khi chúng ta nằm xuống. Cái tồn tại mãi mãi đó là lòng thương yêu, tôn trọng của mọi người. Phải chăng đó cũng là con đường “xuất – xử” của kẻ sĩ ngày nay?
LÊ HIẾU ĐẰNG (tuoitre.vn)