Đền thờ “thần không đầu” Dương Văn Hạnh tại Cần Giờ

       Ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ có một ngôi đình thờ vị thần mà từng có lúc tên gọi đình này là đình thờ “Thần Không Đầu”. Theo ông Lê Văn Kiên (Năm Kiên, hiện nay là ông từ của đình) và các vị bô lão trong xã Lý Nhơn kể lại thì ông Thần Không Đầu lúc còn sống tên là Dương Văn Hạnh (Sáu Hạnh).

Cổng vào đền thờ thần không đầu Dương Văn Hạnh

Khuôn viên đền thờ Dương Văn Hạnh

        Lý Nhơn ngày xưa là một khu rừng hoang vu chưa có tên. Theo truyền thuyết từ thời ấy, có một người họ Lý tên Nhơn đến đây khai phá, quy tụ cư dân. Ông Lý Nhơn đến lúc chết vẫn không có con nên dân lấy tên ông đặt tên làng để tưởng nhớ người đã ‘khẩn hoang lập ấp’.

Sau này, lúc Trương Định rút nghĩa quân về chiến khu Lý Nhơn thì ở đây đã có nhiều dân cư, có chính quyền tự quản do ông Dương Thường làm xã trưởng, ông Dương Văn Hạnh là phó xã, ông Cả Hành đứng ra cáng đáng việc chung của xã. Ông Hạnh trở thành đệ tử của nguyên soái Trương Định chuyên lo việc hậu cần trong thời gian Trương Định còn trú tại đây.

Mộ phần ông Sáu Hạnh đây, nằm mé bên phải đình, trong khuôn viên.

        Giặc Pháp tràn tới, cả ba ông đều bị bắt vì có liên quan mật thiết đến nghĩa quân Trương Định. Về sau ông Cả Hành bị dẫn ra Côn Đảo, ông Dương Thế Đường mất tích.

Còn ông Dương Văn Hạnh, giặc Pháp đưa về Sài Gòn một thời gian ngắn, hứa phong quan tiến chức nếu ông chịu chỉ chỗ Trương Định ẩn trốn nhưng Dương Văn Hạnh cương quyết không khai. Trong những lần tra khảo đến suýt chết ông vẫn không đầu hàng mà quát vào mặt chúng rằng: “Tao là Dương Văn Hạnh thà đứt đầu chứ không bao giờ khai báo với bọn cướp nước Tây Dương và dắt chỉ những người yêu nước”.

Thuyết phục, dọa dẫm, mua chuộc, tra tấn mãi không được, năm 1863, bọn Pháp đưa ông về bên bờ sông Soài Rạp. Giặc dùng thân tre chẻ đôi kẹp vào cổ ông Sáu rồi chém đứt đầu, quăng xác xuống sông còn thủ cấp của ông thì mang đi. Dân tìm vớt xác ông đem chôn tại khoảng đất phía trong nơi ông bị chém và xây mộ bằng đá, cử người trông coi mồ mả, nhang đèn tử tế.

Ngày 19 tháng 8 năm 1864, Huỳnh Công Tấn phản bội dẫn đường cho quân Pháp bất ngờ bao vây đánh úp. Bản doanh ở Gò Công thất thủ, Trương Định bị gãy xương sống trọng thương và ông đã rút gươm tự sát tại Ao Dinh để bảo toàn khí tiết vào sáng ngày 20 tháng 8 năm 1864.

Sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa của Trương Định, giặc Pháp rút đi, các vị bô lão tại địa phương đi tìm thầy để xem đất xây đền thờ thành hoàng. Một thầy địa lý không hiểu do được báo mộng hay cảm thương người vì nước quên thân, đã phán rằng: “Đất Lý Nhơn đã có chủ, nhưng hiện nay chưa ổn định vì người chủ mất đầu còn đi lang thang, chưa có nơi yên nghỉ. Các ông cần xây đình để thờ ông Sáu Hạnh”.

Do vậy, nhân dân Lý Nhơn góp tiền xây đền thờ nhưng họ phải dấu tên ông Sáu Hạnh mà gọi là thờ “ông Thần Không Đầu”. Ngôi đình lúc đầu xây ngay chỗ ông Sáu bị chém, nên gọi là bến Đình.

Lâu ngày đất lở, đình có nguy cơ bị đổ nên phải dời đi nơi khác nhưng tên gọi bến Đình vẫn không thay đổi. Thời đánh Mỹ, ngôi đình này chính là nơi cách mạng hội họp nên bị giặc đánh phá tan nát. Một lần nữa ngôi đình lại phải dời đến vị trí nay là khu vực trụ sở xã Lý Nhơn.

Noi gương Thần Không Đầu, từ bao nhiêu cuộc khởi nghĩa xưa kia cho đến thời đánh Pháp, đánh Mỹ, người dân xã Lý Nhơn luôn luôn là những “người lính hậu cần” của chiến khu đừng Sác. Hiện nay toàn xã có hơn 400 hộ, trong đó có đến 82% là gia đình liệt sĩ.

Ngay bên cạnh khuôn viên đình là Nhà bia tưởng niệm Liệt sĩ Lý Nhơn

        Sau này, người ta xây dựng Nhà bia Liệt Sĩ xã Lý Nhơn ngay bên cạnh đình để tưởng nhớ công ơn những người đã ngã xuống vì chính nghĩa. Hàng năm đều có lễ tưởng niệm long trọng được tổ chức tại đây với sự tham gia đông đảo của người địa phương.

Hằng năm, vào ngày dỗ của ông Dương Văn Hạnh, nhân dân xã Lý Nhơn đều tổ chức thắp hương tưởng niệm vị anh hùng dân tộc

        Đình là cơ sở tín ngưỡng dân gian, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử truyền thống về văn hóa phi vật thể của vùng đất Lý Nhơn anh hùng. Lễ hội Kỳ yên hàng năm tại Đình Thần Dương Văn Hạnh mang ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân, là sự bày tỏ lòng kính trọng của bá tánh đối với bậc Tiền nhân.

Từ ngày lập đình cho đến nay, Đình Thần vẫn là ngôi nhà chung, là nơi đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa tâm linh của những người con xã Lý Nhơn. Bà con đến để cùng nhau bái ơn Thần đã phù trợ cho họ có cuộc sống thanh bình, công việc thuận lợi, đến gặp gỡ chia sẽ kinh nghiệm trong nghề nông – ngư, sinh hoạt văn hóa để nâng cao giá trị tinh thần.

Đảng bộ và nhân dân xã Lý Nhơn vui mừng đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử cấp thành phố cho Đình thần Dương Văn Hạnh

        Có thể nói Đình Dương Văn Hạnh là ngôi nhà truyền thống, giáo dục cho bao người nơi vùng đất này tinh thần vì nước quên thân, đó là lòng yêu nước quý báu của con người Lý Nhơn, họ đã tiếp nối bậc tiền nhân đánh Pháp đuổi Mỹ giải phóng quê hương. Tinh thần ấy được cả nước ghi nhận và phong tặng danh hiệu xã Lý Nhơn anh hùng vào ngày 25/6/2009; Đình Dương Văn Hạnh được Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định công nhận là di tích lịch sử của thành phố.

Dương Viết Cương tổng hợp