Dương Huyền chia sẻ, mặc dù đang có nhiều cơ hội tốt với nghề MC nhưng ngân hàng mới là định hướng theo đuổi từ ban đầu và muốn gắn bó lâu dài nhất. Cô cũng tiết lộ, thu nhập ở ngành ngân hàng ngang ngửa với thu nhập từ dẫn chương trình, thậm chí là…nhỉnh hơn nếu có kết quả xuất sắc.
Nghề ngân hàng nhiều năm nay vẫn hay được xem có môi trường làm việc hấp dẫn nhưng đầy áp lực và rủi ro. Đây cũng là ngành có tỷ lệ nhân viên nhảy việc, nghỉ việc nhiều bậc nhất hiện nay. Thế nhưng, Dương Huyền, một nữ MC dẫn chương trình thời tiết xinh đẹp của đài VTV vẫn quyết định “dấn thân” vào cái ngành ngân hàng đầy rủi ro và áp lực đó. Trong khi đang có sự nghiệp và nhiều cơ hội rộng mở từ công việc của một người dẫn chương trình, cô gái này vẫn rất quyết tâm theo đuổi và gắn bó lâu dài với ngân hàng.
Dương Huyền đang làm chuyên viên chăm sóc khách hàng ưu tiên (khách VIP) (PRM) tại một ngân hàng tư nhân lớn. Mặc dù làm một lúc 2 công việc, vừa là MC vừa là chuyên viên ngân hàng, Huyền vẫn đạt được nhiều thành tích đáng nể khi tháng 1 vừa qua hoàn thành gần 600% chỉ tiêu.
Điều gì đã khiến cô gái này quyết định gắn bó với ngân hàng và đâu là bí quyết để cân bằng nhưng cũng có thành công ở cả 2 lĩnh vực? Nhân Ngày Quốc tế Phụ Nữ 8/3, hãy cùng chúng tôi trò chuyện với nữ MC kiêm nhân viên ngân hàng Dương Huyền.
Là một MC dẫn chương trình thời tiết của đài VTV với lượng follow khá cao trên mạng xã hội, nhưng ít người biết Huyền còn có một công việc khác nữa là chuyên viên của một ngân hàng lớn. Điều gì khiến bạn chọn nghề ngân hàng vậy trong khi bạn đang có nhiều cơ hội để trở nên nổi tiếng?
Thực sự nếu không phải là người thân hay bạn bè thân thiết, rất ít người biết Huyền ngoài việc là một cô MC dẫn chương trình thời tiết ở đài VTV thì còn là một nhân viên ngân hàng. Câu hỏi “tại sao lại chọn làm ngân hàng” cũng là câu mà Huyền gặp rất nhiều, hầu hết khi ai đó biết đến công việc thứ hai của mình đều có thắc mắc đó.
Thật ra, trước khi có duyên với nghề MC, Huyền theo học chuyên ngành tài chính tại trường Học viện Ngân hàng, một trong những nơi đào tạo cán bộ cho ngành lớn nhất hiện nay. Thế nên nói chính xác thì ngân hàng là mong ước và định hướng mà mình theo đuổi từ ban đầu, và nghề MC là một cái duyên, một cơ hội đến với mình rất tình cờ trong quá trình mình đó. Ngân hàng là nơi cho mình rất nhiều thứ, nơi mình được thực hiện những kiến thức từng được học và đào tạo.
Còn công việc của một MC, đúng là cho Huyền rất nhiều cơ hội, nhưng bản thân cũng xác định không theo đuổi lâu dài, mặc dù hiện tại mình vẫn rất yêu thích và đam mê với vị trí của một MC. Mới đây mình cũng được một đạo diễn ngỏ ý mời tham gia phim ngắn, nhưng đành từ chối. Chắc là tình yêu với ngân hàng lớn hơn chăng?
Hai công việc này dường như không liên quan đến nhau, Huyền thấy công việc bên nào thú vị hơn? Và cả áp lực nữa?
Mỗi công việc sẽ có cái hay và điểm thú vị riêng. Ví dụ như, làm MC thì mình sẽ được nhiều người biết đến và nổi tiếng hơn (cười), cảm giác đó cũng rất thú vị. Ngoài ra, được nhiều người biết đến mình cũng có cơ hội nhận thêm các hợp đồng quảng cáo, dẫn chương trình sự kiện,…cải thiện thu nhập.
Còn nói 2 công việc không liên quan gì thì không hẳn, bởi rất nhiều khách hàng VIP hiện tại của mình lại xuất phát từ việc biết Huyền là MC, từ đó tạo nên sự tin tưởng và mình cũng có lợi thế tiếp cận khách hàng hơn.
Còn với ngân hàng, mặc dù là công việc mà như nhiều người thấy là khá áp lực nhưng giúp mình trưởng thành hơn, có mối quan hệ nhiều hơn và thậm chí là …kiếm được nhiều tiền hơn chẳng hạn. Ngân hàng T mà mình đang làm việc cũng có chế độ rất tốt hiện nay.
Về áp lực thì ngân hàng có lẽ là áp lực nhiều hơn, về chỉ tiêu, về rủi ro và các yêu cầu tuân thủ quy định pháp luật khá cao. Còn với nghề MC, riêng với Huyền thì bây giờ không còn quá áp lực nữa vì mình cũng đã khá quen rồi. Mình dẫn chương trình một cách tự nhiên thôi, hầu như là theo bản năng. Tuy nhiên cũng có những lúc lo lắng như sợ nói sai, dẫn sai, các bản tin truyền hình trực tiếp cũng yêu cầu sự linh hoạt cao.
Bạn sắp xếp thời gian để đảm bảo công việc 2 bên như thế nào?
Đôi lúc mình cũng cảm thấy “ôm” hai công việc mệt thật, nhưng cũng sẽ có cách cân bằng và sắp xếp thời gian. Có những hôm Huyền bắt đầu thức dậy từ 4h30 sáng đến đài truyền hình chuẩn bị các công tác như trang điểm, đọc kịch bản, dẫn xong bản tin thời tiết rồi vội vàng quay về ngân hàng cho kịp lúc 8h và làm liên tục, có lúc cho đến 8h tối mới xong. Còn nếu có lịch quay bản tin buổi tối, mình lại phải cố gắng hoàn thành công việc ở ngân hàng sớm hơn. Muộn nhất với mình thường khoảng 9h tối là được về nhà.
Trông thời gian có vẻ khá gấp gáp nhưng thực tế cũng không vất vả như mọi người nghĩ. Mình vẫn cân đối được thời gian để chủ động, đảm bảo được 2 công việc. Như sắp xếp và hẹn trước thời gian với khách hàng hay lựa chọn những bản tin phù hợp.
Tuy nhiên, cũng có lúc mình bị khớp thời gian. Làm cả 2 công việc mà, khó tránh khỏi những tình huống như thế. Chẳng hạn có những khách hàng VIP, họ sẽ có những phát sinh bất ngờ và gọi điện hỏi mình thông tin này, thông tin kia mặc dù mình đang ở đài truyền hình. Lúc đấy mình cũng phải xin phép khách hàng là cho mình trả lời trễ một chút, tất nhiên phải hẹn cụ thể khoảng bao nhiêu thời gian và không được để khách hàng đợi quá lâu.
Được biết Huyền còn đang “FA”, phải chăng vì bận rộn và áp lực? Bạn nghĩ sao về con trai làm ngân hàng và có bao giờ nghĩ sẽ lấy một người cùng ngành không?
Mình được tiếp xúc với nhiều khách hàng nam nhưng có vẻ các khách hàng nam “sợ” gái làm ngân hàng lắm. Họ thấy con gái làm ngân hàng quá bận rộn rồi nghĩ rằng những cô gái này làm gì có thời gian để yêu đương đâu, rồi chăm lo gia đình nữa. Bạn bè Huyền thì cứ nghĩ làm MC, xuất hiện trên truyền hình, lên sóng với hình ảnh đẹp đẽ thì sẽ được nhiều người chú ý, thế nhưng có khi người khác thấy vậy lại cho mình là “chảnh” và bỏ qua.
Con trai làm ngân hàng tốt đấy chứ. Họ rất khéo, giỏi và rất cẩn thận bởi thường xuyên tiếp xúc với nhiều người, làm việc trực tiếp với các con số, với tiền bạc. Lấy một chàng trai làm ngân hàng cũng là một lựa chọn hay, nhưng khó nói trước điều gì vì còn tùy duyên số.
Phụ nữ và nam giới làm ngân hàng có sự khác biệt nào không, chẳng hạn như có sự phân biệt trong cái nhìn của khách hàng?
Khách hàng sẽ đánh giá trên sự chuyên nghiệp của nhân viên tư vấn cho mình, không phân biệt giới tính nam hay nữ. Tuy nhiên, mình cũng nghĩ là sẽ có sự khác biệt, như là sự chú ý và thiện cảm khác phái. Mình cho rằng đấy cũng là điều bình thường, chẳng hạn một khách hàng nữ có thể sẽ thích nhân viên ngân hàng là nam tư vấn hơn vì họ có sự dí dỏm, hài hước.
Bạn có phân định đâu là nghề tay trái không? Có ý định gắn bó lâu dài với nghề nào?
Thú thực, nói là đam mê và mong muốn thì thời điểm hiện tại Huyền vẫn đam mê với nghề MC, vẫn muốn được nhiều người biết tới. Nhưng có lẽ mình sẽ không theo đuổi quá sâu với nghề này. Ngân hàng vẫn là công việc mình muốn gắn bó lâu dài nhất, để phát triển sự nghiệp sau này.
Từ kinh nghiệm của bản thân, theo bạn những người muốn làm nghề ngân hàng và một nghề khác song song nữa cần phải chuẩn bị những gì?
Với những người muốn làm 2 nghề, mình nghĩ quan trọng là làm sao có thể chủ động được thời gian. Nếu 2 nghề mà thời gian quá cố định và khó linh hoạt thì không nên. Như 2 công việc hiện tại của mình không trùng lặp thời gian của nhau quá nhiều nên hoàn toàn sắp xếp, cân đối được.
Nếu đã nghiêm túc với 2 công việc ở 2 nghề khác nhau cùng một lúc, bạn phải luôn có kế hoạch, lịch trình rõ ràng và cụ thể. Bản thân mình cũng luôn chia sẻ với lãnh đạo để được thông cảm và tạo điều kiện. Như lịch dẫn chương trình, mình cũng bày tỏ thẳng thắn là với sếp để có lịch dẫn phù hợp nhất, tránh xảy ra tình huống trùng khớp thời gian, thì không chỉ mình mà sếp cũng thấy khó xử. Tất nhiên, để được sếp đồng ý và tạo điều kiện cho nhân viên thì mình cũng phải luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phải xác định là sẽ vô cùng áp lực nếu muốn vừa làm ngân hàng và một công việc khác.
Được biết Huyền đang là chuyên viên chăm sóc khách hàng VIP (PRM). Vậy một chuyên viên chăm sóc khách hàng VIP thì có gì khác với chăm sóc khách hàng thông thường?
Khách hàng VIP sẽ có những đặc điểm riêng, và nhiệm vụ của mình là phải tìm hiểu rất kỹ về họ, thậm chí không chỉ là tìm hiểu về khách hàng mà còn là gia đình, người thân của họ. So với khách hàng thông thường thì những khách hàng này có phần khó chăm sóc hơn, vì họ sẽ đi theo mình lâu dài. Một khách hàng VIP thường sẽ gắn bó với một chuyên viên, trong khi đó khách hàng thông thường có thể được nhiều chuyên viên tư vấn. Mình sẽ phải tư vấn cho khách hàng VIP rất nhiều thứ, gần như là tất cả dịch vụ của một ngân hàng, từ cho vay đến huy động, trái phiếu, dịch vụ thẻ, dịch vụ chuyển tiền,…Khi có thắc mắc hoặc thông tin muốn biết, khách VIP sẽ trực tiếp liên lạc với mình đầu tiên.
Khách hàng VIP đều là những người có rất nhiều tiền, họ giỏi và nhiều kiến thức. Để tư vấn cho họ, mình phải rất kỹ càng, chỉn chu và cực kỳ sát sao. Nhiều khi chính khách hàng còn biết rõ hơn cả chuyên viên tư vấn. Do đó, một chuyên viên khách hàng VIP phải luôn trau dồi kiến thức để trước hết nói chuyện được với họ, sau đó là tư vấn kỹ càng và đầy đủ nhất, làm sao cho họ tin tưởng.
Vậy tiêu chuẩn phục vụ khách VIP và khách hàng thông thường có khác nhau?
Thực ra, tất cả khách hàng đều được chăm sóc với dịch vụ tốt nhất, đối với một chuyên viên ngân hàng, mọi khách hàng đều là VIP. Tuy nhiên, phân ra khách hàng VIP để có những dịch vụ phù hợp hơn. Mối quan hệ của người chuyên viên với khách hàng VIP cũng thường thân thiết hơn vì họ gắn bó và đi cùng mình lâu dài. Có những khách hàng mà như người thân của mình, giống như chị em trong nhà, đấy cũng là một thành công của một chuyên viên chăm sóc khách VIP.
Theo bạn để trở thành một chuyên viên chăm sóc khách hàng VIP giỏi, yếu tố nào là cần nhất?
Mình nghĩ có 3 thứ quan trọng: kỹ năng, thái độ và nghiệp vụ. Thái độ ở đây nghĩa là mình phải thân thiện, hòa nhã với tất cả khách hàng mình tiếp xúc. Kỹ năng thì luôn phải trau dồi như kỹ năng tư vấn, kỹ năng giải thích, kỹ năng chăm sóc khách hàng. Cụ thể hơn như những ngày lễ tết, sinh nhật của khách hàng mình cũng phải đặc biệt chú ý để gửi những lời chúc, để họ nhớ đến mình và cảm thấy được “chăm sóc”.
Nghiệp vụ cũng phải luôn được trau dồi, càng ngày thì những vấn đề phát sinh sẽ càng khó khăn hơn, buộc chuyên viên phải hiểu, mở rộng kiến thức nhiều hơn để có thể tư vấn những dịch vụ tốt nhất, phù hợp nhất cho khách hàng.
Chỉ tiêu đối với các khách hàng VIP cũng cao hơn rất nhiều. Và không còn cách nào khác là phải lập kế hoạch hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng. Chẳng hạn một ngày mình phải gọi bao nhiêu cuộc điện thoại, bao nhiêu cuộc hẹn và phải hoàn thành nó. Trong tháng này mình sẽ tiếp cận với từng đó khách hàng, tư vấn cho họ những sản phẩm gì.
Nghề ngân hàng đã mang lại cho bạn những gì? Thành tích cao nhất mà Huyền có được kể từ khi làm ngân hàng đến nay?
Đến bây giờ mình chưa bao giờ hối tiếc khi làm ngân hàng vì những gì mà nó mang lại cho mình. Mình được tiếp xúc với nhiều người, mở rộng mối quan hệ. Mình học được rất nhiều đức tính tốt, đặc biệt là tính kiên nhẫn. Những trường hợp khách hàng bức xúc và tỏ thái độ gay gắt, mình không thể nào “bùng lên” và cãi tay đôi với họ được, phải ứng xử những tình huống như thế cũng khiến cho tính cách và con người mình được rèn giũa. Ngân hàng là nơi áp lực nhưng cũng là môi trường cho bạn nhiều cơ hội thăng tiến lên những vị trí cao hơn, và mức thu nhập cũng khá tốt.
Thành tích cao nhất của mình đạt được cũng là tháng 1 vừa qua, khi mình vượt gần 600% chỉ tiêu được giao, thuộc TOP cao nhất hệ thống trong tháng đó.
Để gặt hái được thành công, chuyên viên ngân hàng phải chịu được áp lực. Miễn nỗ lực và chịu khó học hỏi, nghề ngân hàng mang lại cho bạn rất nhiều thứ, đây cũng là nơi có chế độ khen thưởng rất rõ ràng. Tháng 1 vừa rồi, rất nhiều ngày mình làm việc tới hơn 12 tiếng đồng hồ. Mình say sưa với công việc đến nỗi sút 3kg trong 1 tháng. Nhưng đổi lại cho sự cố gắng đó là thành tích được công nhận. Có thể nhiều người bất ngờ nhưng thu nhập của mình ở ngân hàng và ở công việc dẫn chương trình là ngang ngửa nhau.
Không ít sự cố xảy ra với khách hàng VIP ngân hàng trong năm vừa qua, bạn có lo sợ mình cũng rơi vào trường hợp tương tự?
Các sự cố vừa qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước những thông tin đó, nhiều khách hàng VIP của mình cũng khá lo lắng với hạn mức chuyển tiền lớn. Tuy nhiên, ngân hàng T đang có bảo mật rất tốt. Còn phía khách hàng có gì thắc mắc là sẽ hỏi ngay chuyên viên, không để những trường hợp không may xảy ra. Mình cũng luôn tư vấn cho họ là cũng phải cảnh giác, có thể hỏi chuyên viên ngân hàng bất cứ lúc nào. Đến thời điểm hiện tại thì mình cũng chưa phải đối diện với những tình huống đó.
Mục tiêu của Huyền trong tương lai thế nào?
Mình không đặt ra một mục tiêu quá cụ thể là sẽ lên vị trí thật cao. Hiện tại mình đang làm nhân viên sale và khá hài lòng với vị trí này, tuy nhiên mình cũng đang cân nhắc 3-5 năm tới sẽ chuyển sang vị trí back office sau khi tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn. Thú thực, Huyền cũng là một người khá truyền thống và muốn có vị trí ổn định hơn, không quá bươn chải như hiện tại để có thể dành nhiều thời gian cho gia đình.
Có câu chuyện hay vị khách hàng nào có ý nghĩa đặc biệt với bạn không?
Ấn tượng thì nhiều, nhưng nhớ nhất là chuyện cũng vừa xảy ra mới đây. Có một khách hàng mình tiếp xúc lần đầu và tư vấn về lãi suất. Bẵng một thời gian, mình bất ngờ nhận được món quà rất ý nghĩa của khách hàng đấy khi họ vừa đi du lịch về. Lúc đấy cảm thấy rất vui, mình nghĩ “à, cái nghề này cũng hay đấy chứ”, được nhiều người yêu quý, thậm chí đợt Tết vừa rồi còn được khách hàng “mừng tuổi” (cười).
Theo Trí Thức Trẻ 8/3/2019