Ngày 3/3/2019, Hội nghị thường niên năm 2019 của Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam đã diễn ra tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam xin gửi tới quý bà con, bạn đọc bài phát biểu của ông Dương Công Minh – Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tại Hội nghị.
Kính thưa Quý vị đại biểu, quý vị khách quý,
Trân trọng cảm ơn quý vị đã tham dự Hội nghị thường niên năm 2019 của Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam (Hiệp hội).
Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam đã được thành lập và đi vào hoạt động từ cuối tháng 4/2016, trong gần 3 năm qua, với sự cố gắng và làm việc tích cực của Ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên và toàn thể các hội viên.
Tôi xin cảm ơn và ghi nhận sự đóng góp của quý vị trong thời gian vừa qua.
Và tôi cũng xin điểm qua những điểm chính mà chúng ta đã làm được:
Với mục đích xây dựng cho đất nước một nền công nghiệp mắc ca bền vững, đem lại no ấm cho người dân, cung cấp các sản phẩm có lợi cho sức khỏe và góp phần cải tạo môi trường thiên nhiên tốt hơn. Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam đã được ra đời trong thời điểm mà xã hội Việt Nam đang phân hóa giữa hai quan điểm: ủng hộ hay chống mắc ca?
Tại thời điểm đó, lãnh đạo Nhà nước các cấp, các cơ quan truyền thông, giới chuyên gia và kể cả người dân vì thiếu thông tin nên đa phần có quan điểm thận trọng trong việc phát triển mắc ca ở Việt Nam.
Trong gần 3 năm qua Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam đã đồng hành cùng với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Công ty Him lam đã tổ chức nhiều đoàn nhân sự gồm cán bộ kỹ thuật của Hiệp hội, cán bộ các viện nghiên cứu, nhân viên của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đi khảo sát ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Bắc và các vùng núi các tỉnh Miền Trung để xác định những vùng có thể phù hợp với việc phát triển của cây mắc ca, thống kê số lượng cây đã được trồng và cho kết quả tốt, đồng thời củng cố thêm luận cứ và niềm tin rằng “chắc chắn Việt Nam sẽ phát triển được một nền công nghiệp mắc ca vững mạnh”.
Hiệp hội cũng đã tổ chức được nhiều cuộc hội thảo lớn nhỏ mà đối tượng là lãnh đạo các cơ quan nhà nước, các chuyên gia, các cơ quan truyền thông và người nông dân trồng mắc ca.
Đã tổ chức được nhiều đoàn bao gồm cán bộ, báo chí, doanh nghiệp, nông dân đi tham quan học hỏi ở các hội chợ, hội nghị, các viện nghiên cứu, các vùng trồng mắc ca ở trong nước và ngoài nước.
Hiệp hội đã liên tục làm việc với Chính Phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Lãnh đạo các tỉnh để cung cấp thông tin, tham mưu và đưa ra những chính sách hỗ trợ cho việc phát triển mắc ca.
Kết hợp với các tổ chức chuyên môn để nghiên cứu về các loại sâu bệnh, tiến hành các đề tài về phòng tránh sâu bệnh cho mắc ca. Đồng thời bước đầu triển khai thu thập thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu cho mắc ca.
Hiệp hội cũng đã tổ chức nhiều đợt hội thảo đầu vườn ở Tây Nguyên, Tây Bắc và các tỉnh khác để huấn luyện cho người nông dân phương pháp trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản mắc ca. Thông qua đó cung cấp thông tin tuyên truyền về mắc ca cho người nông dân và lãnh đạo các địa phương để họ tin tưởng mở rộng diện tích trồng mắc ca.
Ngoài ra, Hiệp hội còn kết hợp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt xây dựng chương trình cho vay trồng, chăm sóc, chế biến mắc ca nhằm cung cấp tài chính cho nông dân và doanh nghiệp làm giống, trồng và chế biến mắc ca.
Với sự cố gắng không ngừng nghỉ trong thời gian qua, toàn thể lãnh đạo, nhân viên và thành viên của Hiệp hội đã cùng với nhân dân cả nước đẩy nhanh việc trồng mới cây mắc ca ở những vùng phù hợp. Theo thống kê của Hiệp hội, đến cuối năm 2018, cả nước đã trồng được hơn 4 triệu cây mắc ca và tốc độ này sẽ được tăng nhanh trong những năm tới.
Điều quan trọng là đã thay đổi được nhận thức về việc phát triển cây mắc ca ở Việt Nam, lãnh đạo chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đã bắt đầu ủng hộ việc phát triển mắc ca. Trên phương diện truyền thông, trong những năm gần đây đã không còn xuất hiện các bài báo tiêu cực về mắc ca, thay vào đó là các bài báo, các phóng sự tích cực ủng hộ sự phát triển của mắc ca. “Vạn sự khởi đầu nan”, chúng ta đã vượt qua được sự gian nan, trì trệ ban đầu và mở ra một giai đoạn phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp mắc ca còn non trẻ của đất nước.
Với những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, chúng ta càng tin tưởng sâu sắc rằng con đường mà chúng ta đã chọn là hoàn toàn đúng và chắc chắn sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và đất nước. Trong hội nghị này chúng ta sẽ nhìn nhận, đánh giá lại những khuyết điểm, những việc làm chưa tốt để chấn chỉnh đồng thời xây dựng kế hoạch, định hướng cho những năm sắp tới.
Với mục tiêu sau năm 2021, mỗi năm Việt Nam sẽ trồng thêm được trên 3 triệu cây mắc ca. Vì vậy, ngay từ bây giờ Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam cần phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước, Ngân hàng… hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường khả năng sản xuất và nâng cao chất lượng cây giống mắc ca. Cùng với đó là việc kiện toàn bộ máy tổ chức của Hiệp hội đến cấp phân hội trên các địa bàn phù hợp với việc phát triển mắc ca, đồng thời tích cực đào tạo đội ngũ nhân lực kỹ thuật và quản lý cho các vùng trồng.
Trong những năm tới, ngoài việc gia tăng diện tích trồng mắc ca thì phải tập trung vào nghiên cứu công nghệ chế biến, tạo chuỗi giá trị sản phẩm, giảm xuất khẩu thô.
Điều quyết định sự thành bại của chương trình mắc ca là người dân và doanh nghiệp trồng mắc ca phải bán được sản phẩm và bán được với giá cao.
Với những nền tảng ban đầu mà Hiệp hội đã tạo ra được trong thời gian vừa qua, dù đoạn đường trước mặt còn rất nhiều khó khăn nhưng với định hướng đúng đắn và sự chỉ đạo sâu sát của Ban lãnh đạo, Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam sẽ cùng với nhân dân cả nước xây dựng được một ngành công nghiệp mắc ca vững mạnh, đem lại sự no ấm cho người dân và góp phần giúp đất nước tiến lên.
Thay mặt Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam, tôi xin chúc tất cả quý vị đại biểu sức khỏe và hạnh phúc.
Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.