Người kinh doanh Dịch Vụ Cười với tiêu chí “Dạy môn Vật Lý nên không vô lý được đâu”. Ở thầy Dương Văn Cẩn, đằng sau dáng người cao to, điển trai, cùng với một nụ cười rất duyên và trí tuệ toát lên một con người giản dị, chân tình và thân thiện đến kì lạ.
“Photon là sóng điện từ
Không điện, không khối sống lâu vô cùng
Vận tốc xưng bá xưng hùng
300 triệu đấy ai thời hơn không ?
Hạt nhẹ thì gọi Lepton
200 không đủ 4 ông 1 bàn
Nơtrinô chẳng dám bàn
Điện thì không biết, khối thì cũng không.”
Đây từng là những dòng thơ nổi tiếng với bao lớp học trò học tại Hà Nội do người thầy có biệt danh “Thiên hạ đệ nhất Vật Lý” gieo vần.
Đối với thế hệ giữa 9x đổ về trước, cụm từ “lò luyện thi Chùa Bộc” đã trở thành huyền thoại trong ký ức những cô cậu học sinh cấp 3 miệt mài ôn thi Đại học. Ở đó, mỗi một môn học lại có những thầy cô giáo vô cùng giỏi và nổi tiếng, từng dìu dắt bao học sinh bước qua cánh cổng của những ngôi trường lừng lẫy như Bách Khoa, Ngoại Thương, Kinh Tế Quốc Dân… Và trong bầu trời Vật Lý nơi ấy, không thể thiếu đi ngôi sao sáng mang tên Dương Văn Cẩn.
DVC – Dương Văn Cẩn – Dịch Vụ Cười
Thầy Dương Văn Cẩn sinh năm 1977, hiện đang là giáo viên dạy Vật Lý trường THPT Việt Đức, đồng thời cũng là một trong những cây đại thụ trong làng luyện thi Vật Lý tại Việt Nam. Bên cạnh những danh xưng “Thiên hạ đệ nhất Vật Lý”, “Huyền thoại dạy Lý”, “Thánh thơ Vật Lý” được học sinh yêu quý truyền miệng bao nhiêu năm qua, thầy Cẩn còn nổi tiếng với 3 chữ “DVC”, vốn là những ký tự viết tắt tên mình, nhưng lại hay được dịch thành cụm từ “Dịch Vụ Cười”.
Sở dĩ học sinh gọi như vậy là vì những lớp học của thầy Cẩn chưa bao giờ thiếu tiếng cười, dường như ngoài cho đi con chữ, thầy còn bán cả nụ cười. Dạy đến bài “Dây dọi” trong sách giáo khoa, thay vì dùng một vật nặng bằng sắt buộc vào dây, thầy sử dụng một vật thể hình trái tim có trọng lượng tương tự để thả xuống thay thế, rồi bảo rằng: “Đây mới là “thả tim” đúng nghĩa, chứ không phải kiểu “sống ảo” như các anh chị đâu nhé!”. Thế là lớp học lại được một trận nắc nẻ.
Thầy Cẩn say sưa giảng bài và những khuôn mặt chăm chú lắng nghe phía dưới
Trong nghề giáo, người ta thường hay nói quan trọng nhất là cơ sở kiến thức và thần thái của người giáo viên. Với thầy Cẩn, thứ “thần thái” mà thầy theo đuổi trong bao nhiêu năm giảng dạy vẫn là trở thành con người có khả năng tạo ra luồng sinh khí vui vẻ trong lớp học. Cứ thử suy nghĩ mà xem, nếu tâm trạng bạn đang căng thẳng, mệt mỏi, tâm hồn đang trầm tư u uất thì những điều đơn giản còn chẳng muốn nghĩ đến, chứ đừng nói đến hàng tá công thức loằng ngoằng Vật Lý. Thế nên khi vào lớp, thầy giáo “Dịch Vụ Cười” luôn cố gắng đem lại cho học trò tâm thế thoải mái nhất để nghe giảng.
Thầy bảo rằng đừng nghĩ cuộc sống của học sinh còn bé là đơn giản, cuộc đời lúc nào cũng tồn tại nhiều biến động, ai mà biết được ngoài kia các bạn đang gặp phải khó khăn bế tắc gì, vậy nên việc đưa những câu chuyện cười, những ví dụ đời sống thực tế vào bài giảng không chỉ để hút hồn học sinh vào môn học, mà còn là giúp học sinh có được những phút giây thoải mái vui vẻ đúng tuổi học trò.
Đối với thầy Cẩn, vô số những tên gọi khác nhau mà mọi người trao tặng luôn được thầy trân quý và coi như những ý kiến tham khảo quý báu.
“Những lời khen thì mình lấy đó làm động lực, còn những lời chê thì để kiểm điểm lại bản thân, xem có cần điều chỉnh gì cho phù hợp với thời đại không. Tuy nhiên tôi làm gì đều có lập trường riêng của mình, dựa trên những nền tảng được đào tạo từ Đại học Sư phạm, tôi nắm chắc được những gì là nguyên tắc cơ bản luôn phải giữ gìn của người giáo viên. Tôi vẫn hay nói với học sinh: “Thầy dạy môn Vật Lý nên không vô lý được”, làm cái gì cứ có lý là được!”, thầy chia sẻ.
Mê dạy là thế nhưng từng có những người đặt điều nói xấu khiến thầy Cẩn muốn bỏ nghề
Đời người có đủ thú vui, người ta thích chơi chim, chơi cá, sưu tập xe đạp, tem phiếu thì thầy Cẩn cũng nuôi cho mình một sở thích đặc biệt từ ngày bắt đầu đi dạy đến giờ: thầy coi mỗi học trò như một cái cây để ngày ngày chăm bẵm, uốn nắn. Mỗi khi nhìn chậu cây mình kỳ công chăm sóc mọc thêm một chiếc lá, nở thêm một đoá hoa, đồng nghĩa với việc học sinh của mình vươn tay chạm được đến một mốc thành công mới, là thầy vui vẻ hạnh phúc vô cùng. Thầy luôn tự hào, trong bộ sưu tập “cây cảnh” của mình, thầy đã thành công uốn được những cây vốn đang xơ xác trơ trụi ngả hẳn về bên tiêu cực, trở nên thẳng lại và xanh tốt um tùm, đủ sức che nắng cho cả bản thân mình và người khác.
Cuộc đời đi dạy mấy chục năm, số kỷ niệm mà thầy có được cũng dày chồng chất như những trang sách Vật Lý ngoài kia. Thầy tin rằng vì bản thân là một người đặc biệt, nên các kỷ niệm khi xâu chuỗi vào với nhau cũng đặc biệt.
Đây là món quà của tập thể học sinh cũ tặng thầy Cẩn. Nó đặc biệt ở chỗ, cấu thành nên chiếc logo DVC nổi tiếng của thầy là hàng trăm dấu tay của các học sinh đã từng theo học.
Ngày xưa, cách đây 13, 14 năm, có một số người đột nhiên nói những điều không đúng sự thật về thầy, làm thầy tự ái lắm, không muốn đi dạy nữa. Thế nhưng chẳng kịp buồn tủi lâu, thầy đã bị “nhấn chìm” trong bao nhiêu nước mắt của học trò. Mỗi ngày thầy nhận được cả gang tay thư của học sinh, các bạn không chỉ gửi cho thầy, mà còn gửi rất nhiều lên các toà soạn báo, yêu cầu họ phải viết chính xác về thầy. Thế là thầy cứ vậy bị học sinh nhất quyết không “cho” rời bục giảng cả chục năm trời.
Cũng có những học sinh làm cho thầy cả đời không thể quên. Từng có một cậu học trò, đang là sinh viên năm 2 thì bố phải vào tù và bi kịch hơn là chẳng bao lâu sau, ông cũng qua đời luôn tại đó. Cậu bạn rơi vào vòng xoáy suy sụp ngay trong tích tắc và muốn đạp đổ tất cả sau những bất công mà ông trời bắt mình gánh chịu. Lúc này đây, thầy Cẩn có cơ hội được nói chuyện với cậu học trò này. Thầy chia sẻ: “Phải nỗ lực đặt mình vào trường hợp của học sinh, tưởng tượng ra mình là cậu ấy, người mất như bố mình, cảm nhận được sự chua xót trong cuộc đời sâu đến đâu rồi dẫn dắt bạn ấy bằng lý trí của bản thân”. Chính bằng tâm thế ấy, thầy đã thành công giúp cậu học trò lạc lối thi đỗ lại Đại học Bách Khoa, rồi giờ đây không những thành công trong cuộc sống mà còn rất hạnh phúc với gia đình nhỏ của riêng mình.
Mỗi lần đi du lịch hay đi xa có việc, thầy vẫn thường bắt gặp những bạn học sinh đột nhiên chạy ào ra chào thầy, tíu tít khoe rằng thầy ơi em từng học thầy ở chỗ này chỗ kia. Với thầy, đây là những kỷ niệm tuy nhỏ nhưng làm thầy ấm lòng và cảm động vô cùng. Thầy bộc bạch: “Nhiều người bây giờ cứ phàn nàn là học sinh thế này thế kia, nhưng không phải vậy, tôi thấy các cháu nó tuyệt lắm. Học sinh phải nghịch ngợm láu cá thì mới là học sinh. Tôi luôn tâm niệm, cứ yêu trò đi rồi trò khắc sẽ ngoan”.
Học sinh thầy Cẩn lạ lắm, 20/11 chẳng mua quà tặng thầy nhưng lại rất chăm chút cho các đàn em của mình dù rằng họ chẳng quen nhau
Qua nhiều năm dạy học, giờ đây sức khoẻ của thầy đã không được như xưa: chân của thầy bị đau mỗi khi đứng nhiều còn giọng thì bị khàn đi chẳng sang sảng như ngày nào. Đã có giai đoạn, bố mẹ và họ hàng gần như cấm không cho thầy đi dạy nhiều. Nhiều khi thầy cũng muốn quan tâm hơn đến bản thân và nghe theo gia đình, thế nhưng cứ nhìn thấy các em học sinh mất phương hướng trong môn Lý là thầy lại không kìm được lòng.
Thầy bảo thầy “sợ xa viên phấn”, cũng như sợ xa niềm vui lớn nhất trong đời mình, chỉ cần học sinh còn muốn học, thầy sẽ không ngừng dạy. Mệt thì mệt nhưng cứ vào lớp là giọng thầy lại vang lên hết mình trong những ánh mắt bừng sáng của học trò.
Mỗi mùa thi hay 20/11 đến là các lớp học sinh đang theo học thầy lại được chiêm ngưỡng và trải nghiệm “truyền thống của học trò thầy Cẩn”: các anh chị khóa trên, đang học đại học hoặc đã tốt nghiệp đi làm quay về thăm thầy và thăm cả các em. Học sinh thầy Cẩn lạ lắm, chẳng mua quà tặng thầy nhưng lại rất chăm chút cho các đàn em của mình dù rằng họ chẳng quen nhau. Chỉ cần bước vào lớp giới thiệu một câu “anh/ chị là học sinh cũ thầy Cẩn” là mọi khoảng cách như được xoá nhoà. Họ mua quà bánh mua bút chì tặng các em, nhắn nhủ và “truyền lửa” cho khoá dưới tiếp bước thành công của mình. Họ làm vậy vì trân trọng những gì thầy Cẩn đã làm cho mình, đồng thời cũng biết rằng chỉ có điều ấy mới khiến thầy vui vẻ, chứ không phải những món quà vật chất dùng là hết.
Trong buổi phỏng vấn thầy Cẩn tại một lớp học thêm Vật Lý buổi tối, một bạn sinh viên năm 4 trường Đại học Giáo dục khoa Sư phạm Vật Lý đã vô tình cho mọi người được chứng kiến tận mắt truyền thống đặc biệt bao năm nay của các thế hệ học sinh thầy Cẩn. Cậu bạn Bùi Xuân Khánh mua rất nhiều hoa quả và bánh kẹo về chào thầy và chiêu đãi các em học sinh, thậm chí còn ngồi vào học bài cùng các em như những ngày tháng xưa kia đã từng. Khánh chia sẻ: “Thầy là người có ảnh hưởng rất lớn đến mình, là hình mẫu thầy giáo mình muốn trở thành sau này. Sự vui vẻ và gần gũi khiến thầy không chỉ là người dạy dỗ mà còn là một người bạn mà mình có thể chia sẻ mọi thứ. Có lẽ chính vì vậy mà dù qua bao nhiêu năm nữa, mình vẫn luôn muốn về thăm và được ngồi học trong lớp thầy mỗi khi có dịp”.
Xin phép trích lời chúc của Khánh gửi đến thầy nhân ngày 20/11, dường như cũng là lời chúc mà toàn thể những lớp học trò đã và đang được thầy Dương Văn Cẩn dìu dắt trên con đường tri thức muốn dành cho thầy, để kết lại bài viết này: “Chúc thầy luôn có thật nhiều sức khoẻ, luôn đẹp trai và vui vẻ như bây giờ để “Dịch Vụ Cười” của thầy sẽ bồi bạn và đào tạo thêm nhiều những thế hệ học sinh thành công khác!”.
Các lớp học sinh lúc nào cũng mong thầy khoẻ mạnh, đẹp trai, vui tính như hiện tại để có thêm nhiều người được tiếp tục thưởng thức “Dịch Vụ Cười”