Phó Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, đằng sau những quyết định lịch sử “có một không hai”

PV: Dịch Covid-19 tràn qua TP.HCM đã cuốn đi rất nhiều thứ, khiến cho lãnh đạo thành phố phải có những quyết sách đặc biệt cho giáo dục. Những quyết sách đặc biệt ấy là gì, thưa ông?

Ông Dương Anh Đức: Nếu chúng ta nhớ lại giờ này một năm trước đây, tức là tháng 7.2021, thì chúng ta sẽ nghĩ ngay đến một giai đoạn hết sức đau thương, phải nói là chưa từng có trong lịch sử thành phố. Và đối với ngành giáo dục cũng vậy. Tại thời điểm này chúng ta đang phải quyết định việc có tổ chức hay không tổ chức cho học sinh của thành phố tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT? Đó là một quyết định có rất nhiều trăn trở.

01/ NHIỀU THỨ CHỈ DIỄN RA MỘT LẦN TRONG ĐỜI NGƯỜI

Khi thành phố bắt đầu có sự bùng phát của đợt dịch bệnh thứ 4 của đại dịch Covid, Ban thường vụ Thành ủy đã phải rất cân nhắc về quyết định này. Chúng tôi cùng Sở GD-ĐT trình phương án xin phép được tổ chức thi tốt nghiệp THPT cũng dẫn đến rất nhiều tranh luận. Tại vì tình hình Covid-19 của TP.HCM lúc đấy có thể nói là bắt đầu nặng, nặng nhất so với các tỉnh thành khác. Và nhiều tỉnh lúc đó đã đặt vấn đề là tạm hoãn và để cho học sinh của mình tham gia thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Tranh luận lớn nhất là liệu thành phố có nên để sang thi đợt 2 mới cho học sinh đi thi hay không?

PCT UBND TP.HCM Dương Anh Đức kiểm tra kiểm tra phòng dịch Covid-19 tại Công ty PouYuen VN. Ảnh: Độc Lập

Chúng tôi lúc đó đã trực tiếp trao đổi thảo luận. Tôi cũng đã trực tiếp có trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng như tham vấn rất là nhiều chuyên gia. Cuối cùng chúng tôi cũng mạnh dạn cho học sinh tham gia thi. Vì sao? Thật ra lúc đó tình hình dịch bệnh rất là khó lường. Khi quan sát tình hình trên thế giới , có thể thấy chỉ sau một vài tuần thôi, tình hình ở một số quốc gia đã thay đổi một cách chóng mặt. Với tình hình ở thành phố lúc đó, chúng tôi cũng đặt ra một câu hỏi “nếu như tháng sau tình hình nặng hơn thì sao”? Và nếu như hôm nay chúng ta quyết định không cho các em học sinh đi thi thì có nghĩa là một tháng sau cũng như vậy. Và hôm nay liệu chúng ta có nhắm được tổ chức cho các em thi tốt hay không? Anh em ngành giáo dục trả lời với tôi là có thể, nếu quyết tâm thực hiện. Cũng chính vì vậy, chúng tôi xin ý kiến của Ban thường vụ và rất may mắn được ủng hộ, đặc biệt là sự ủng hộ của đồng chí Bí thư Thành ủy. Tôi biết là để ra được kết luận trong Ban thường vụ cho phép ngành giáo dục tổ chức kỳ thi THPT này là không dễ dàng gì. Nhưng mà với sự quyết đoán thì đồng chí Bí thư Thành ủy, sau khi lắng nghe đầy đủ ý kiến của các chuyên gia của Ban thường vụ, đã quyết và đồng ý cho chúng tôi thực hiện.

Đó là một trong những thời khắc hết sức đáng nhớ. Và đúng là như vậy! Sau đó nếu chúng ta nhớ thì tháng 8 phải nói là đỉnh dịch ở TP.HCM. Nếu như lúc đó chúng ta không quyết liệt cho học sinh thi tốt nghiệp THPT thì chắc chắn tháng 8 cũng không tổ chức được. Và lúc đó các em sẽ ở dạng được đặc cách, xét duyệt tốt nghiệp THPT nhưng lại không có căn cứ để được xét duyệt vào các trường ĐH, phải nói ảnh hưởng đến cả một lứa học sinh. Chúng tôi nghĩ đó là một điểm hết sức quan trọng và cần ghi nhận cho ngành giáo dục.

 

Sau đó không lâu, khi các tỉnh, thành vẫn còn ngần ngại dịch và vẫn cho học sinh nghỉ học thì TP.HCM là nơi ra quyết định cho học sinh trở lại trường rất sớm. Vì sao như vậy?

Đúng là như vậy! Quyết định thứ hai cũng có thể xem là quyết định lịch sử đối với TP.HCM. Đó là khi chúng ta vừa thoát ra khỏi giai đoạn cách ly theo Chỉ thị 16. Lúc đó toàn bộ học sinh TP.HCM đang thực hiện việc học tập theo phương thức đào tạo trực tuyến.

Nhưng khi chúng tôi ngồi phân tích thì thấy ra hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất là nếu tổ chức học trực tuyến, môi trường công nghệ đối với TP.HCM có thể khẳng định có nền tảng tốt nhất. Nhưng mà sự sẵn sàng của giáo viên thì không phải đồng đều. Do đó việc truyền tải kiến thức, điều kiện giảng dạy lớp học không phải đối với thầy cô nào cũng dễ dàng.

Cái thứ hai quan trọng hơn là đối với học sinh, đặc biệt là các cháu chưa khi nào có thời gian đến lớp, thì các cháu dần quen với một không gian kín. Lúc đó thì chúng tôi đã nghĩ đến việc phải có phương án để chăm sóc về sức khỏe tinh thần cho các cháu. Cũng chính vì vậy chúng tôi nghĩ rằng để có được một môi trường giáo dục bình thường thì phải cho các cháu có cơ hội giao tế, gặp gỡ bạn bè, thầy cô một cách trực tiếp càng sớm càng tốt.

Lúc đó chúng tôi ngồi bàn với nhau và thấy rằng là sẽ phải thực hiện từng bước thận trọng nhưng phải sớm và quyết liệt. Bởi vì không thử thì không biết được là tốt hay không tốt. May mắn là TP.HCM có một xã đảo duy nhất là xã đảo Thạnh An. Ở đó chúng ta có thể dễ dàng tạo ra một môi trường tương đối độc lập để thử nghiệm như là một “phòng thí nghiệm sống”. Chúng tôi đã cử nhiều đoàn kiểm tra xuống rồi hướng dẫn để cho các trường, các cấp ở xã đảo Thạnh An thử nghiệm việc đào tạo theo truyền thống, và cũng rất là thận trọng, bắt đầu từ các em học sinh đầu cấp, cuối cấp. Sau vài tuần thực hiện, các em học sinh và thầy cô có một tinh thần tốt và điều lo lắng rằng khi các cháu đi học thì số ca mắc Covid tăng lên cũng không xảy ra. Có tăng nhưng không đáng kể. Vì vậy, sau đó thành phố mạnh dạn ra quyết định mở cửa trường lại cho các em đi học.

Sau một thời gian, thành phố đơn giản hóa lại việc tổ chức của mình, mặc dù trước đó thành phố đã lên rất nhiều phương án. Kể cả cho các cháu đi học lại nhưng vẫn tôn trọng nguyện vọng của phụ huynh, đó là những cháu nào không đi học trực tiếp thì vẫn được tổ chức học trực tuyến. Nhưng mà sau thời gian ngắn mọi người thấy đi học trực tiếp có khi lại hay, các cháu về rất là vui, đặc biệt là các cháu về tinh thần tăng lên rõ rệt. Do đó cũng sau một thời gian thì thành phố tổ chức 100% học sinh học bình thường. Chúng tôi cũng tin rằng, nhờ vậy kết quả học tập của các cháu sẽ tốt trong năm nay.

Trải qua khoảng thời gian đặc biệt như vậy, cảm xúc của ông như thế nào?

Như tôi đã nói, có lẽ không chỉ trong ngành giáo dục mà tất cả người dân thành phố đều công nhận là thành phố của chúng ta đã trải qua một giai đoạn chưa từng có. Có rất nhiều thứ, có lẽ là sẽ diễn ra một lần trong đời người và cũng không phải ai cũng sẽ gặp. Có bi, có tráng, có những lúc mà chúng ta cảm thấy là rất khó khăn.

Nhưng mà nổi lên một tinh thần chung mà chúng tôi cảm thấy rất tự hào, đó là tinh thần của TP.HCM, của người dân Sài Gòn. Khi trong khó khăn thì mọi người rất đoàn kết, rất chia sẻ và mọi người phải nói là không còn cái tôi mà tất cả đều là chúng ta khi sẵn sàng hi sinh quyền lợi cá nhân.

Đối với ngành giáo dục thì sao? Có lẽ là số lượng các thầy cô trước năm 2021 có tham gia dạy trực tuyến thì rất ít. Nhưng khi được yêu cầu chuẩn bị để dạy thì ít nhất là theo thống kê của chúng tôi, không thấy có một thầy cô phản ứng, phản đối và rất nghiêm túc thực hiện. Có những thầy cô thậm chí là thức đêm thức hôm chuẩn bị cho bài giảng của mình vẫn sẵn sàng không một lời kêu than. Có những thầy cô vừa phải dạy cho học sinh trên lớp trực tiếp, vừa phải lo dạy trực tuyến, tức là công sức lên gấp đôi, gấp ba lần. Nhưng các thầy cô cũng không một lời ta thán.

Các em học sinh của chúng ta cũng vậy. Dù đi học với một tình hình rất không ổn định nhưng mà các cháu vẫn lạc quan, chia sẻ và hợp tác. Cũng chính vì vậy, khi chúng ta triển khai kế hoạch năm học thì đã rất suôn sẻ. Và mặc dù trong nửa đầu của năm học thì phải triển khai tạm gọi là hình thức không bình thường nhưng mà năm học đã kết thúc đúng như kế hoạch và các cháu đều tham gia vào trong các kỳ thi cuối năm, cuối cấp với một  tinh thần rất tốt.

2/ TRĂN TRỞ “LỜI GIẢI” VỀ GIÁO DỤC CHO SIÊU ĐÔ THỊ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Với một thành phố đông dân và phức tạp như TP.HCM, giáo dục sẽ có rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Lãnh đạo thành phố đang trăn trở điều gì nhất?

Với một siêu đô thị như TP.HCM thì sự tăng dân tự nhiên và tăng cơ học rất lớn. Thống kê của những năm gần đây thì trung bình mỗi năm chúng ta có thêm khoảng 200.000 dân. Có nghĩa là cứ mỗi 5 năm là có thêm 1 triệu dân và phần lớn đó là những công dân trẻ, những cặp gia đình trong tuổi sinh con đẻ cái. Thành ra áp lực về trường học là cực lớn.

TP.HCM đặt chỉ tiêu là giữ đảm bảo tỉ lệ là 300 phòng học/vạn dân nhưng mà có lúc chúng ta đạt được, ngay sau đó lại không đạt được, con số này lại tụt xuống. Có những lúc thấp nhất con số tụt xuống chỉ còn có hơn 260 phòng học/vạn dân. Hiện nay thì tỉ lệ cũng đang là gần xấp xỉ 300. Tuy nhiên tỉ lệ dù có đạt được là 300 phòng học/vạn dân thì chỗ học của các em nếu tính theo chuẩn quốc gia cũng không đủ. Đó là trăn trở rất là lớn.

Cũng chính vì vậy, một trong những vấn đề hết sức quan trọng mà lãnh đạo thành phố quan tâm đó là phải tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới trường học, quỹ đất dành cho giáo dục và tương tự như vậy là dành cho y tế. Điều này là rất khó bởi vì thành phố của chúng ta có những vùng đã đô thị hóa hoàn toàn 100%. Muốn tìm ra được một quỹ đất để đảm bảo cho các em có chỗ học mới đầy đủ các tiêu chuẩn là một cái bài toán cực kỳ khó khăn. Thành ra đó là vấn đề lập kế hoạch phân bổ nguồn lực như thế nào.

Lại có những vùng hết sức đặc biệt. Chẳng hạn như có xã Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh), chỉ có gần 170.000 dân một xã thôi mà xã này thì mức độ tăng dân cơ học lại nhanh nhất cả nước. Thành phố liên tục dồn đất để xây trường học ở đây nhưng mà cứ đến cuối năm mình tổng kết lại thì thấy tình hình hầu như không thay đổi nếu mà tính theo tỉ lệ phủ về trường lớp đối với người học.

Còn khó khăn gì nữa, thưa ông? 

Tôi nói ví dụ như vậy để thấy khó khăn cỡ nào và còn một áp lực nữa đó là TP.HCM của chúng ta có slogan “Thành phố văn minh hiện đại nghĩa tình”. Có nghĩa là gì? Là phải xây dựng được một môi trường sống cho người dân một cách văn minh và hiện đại. Muốn làm được như vậy thì tiêu chuẩn của các cơ sở giáo dục, y tế phải đạt chuẩn. Mà đạt chuẩn thì mật độ không thể quá cao được. Chẳng hạn như là quy chuẩn học sinh một lớp thì được phép tùy theo cấp học như có cấp học tỉ lệ là 30, cấp học là 35, cấp học là 40 học sinh/lớp. Nhưng mà nếu chúng ta xếp như vậy thì sẽ có nhiều em không có chỗ để đi học.

Rồi TP.HCM gặp vấn đề nữa đó là người dân nhập cư rất đông. Thậm chí có những lúc theo thống kê, số lượng người dân nhập cư xấp xỉ người dân có hộ khẩu thành phố. Bởi vì chúng ta là thành phố nghĩa tình thì dù là người dân đến từ đâu thì chúng ta cũng phải phục vụ tốt như nhau đúng không? Thì như vậy nghĩa vụ của chúng ta phải lo cho tất cả mọi người. Đó cũng là trăn trở nữa của lãnh đạo thành phố. Vấn đề tuy khó nhưng cũng sẽ phải cố gắng nỗ lực giải quyết và tinh thần là giải quyết tốt nhất có thể là cố gắng hết sức.

Tôi nhớ là từ trước dịch (năm 2020), tôi cũng đã từng phải chủ trì một buổi họp. Lúc đó có nhiều phụ huynh phản ánh rằng con mình đến tuổi vào lớp 1 nhưng có nguy cơ là không có chỗ học. Lúc đó thành phố phải ra một quyết sách tuyên bố là thành phố có thể có những trường không đạt chuẩn, nhưng không thể có học sinh không có chỗ học. Có nghĩa là việc chỗ học cho học sinh được đặt lên ưu tiên hàng đầu.

Liệu có lời giải cho bài toán này không? Lãnh đạo thành phố sẽ tập trung giải quyết những vấn đề nào?

Chỗ học cho học sinh phải ưu tiên hàng đầu là quan điểm lãnh đạo của thành phố. Tuy nhiên nếu chúng ta để mãi tình hình như hiện nay thì cũng không ổn. Chính vì vậy trong thời gian sắp tới thì Sở GD-ĐT cùng với các Sở ngành liên quan đã được giao nhiệm vụ là phải rà soát toàn bộ, phải có một kế hoạch lâu dài để xây dựng mạng lưới lớp. Trong đó có những đề xuất cụ thể để khai thác quỹ đất dành cho giáo dục một cách tốt hơn và có những biện pháp mang tính đột phá, mang tính sáng tạo và cũng là học tập một số địa phương khác như Hà Nội, Hải Phòng.

Đối với ngành giáo dục thì từ trước đến nay, tôn chỉ của TP.HCM là chất lượng và đó là điều kiện tiên quyết. TP.HCM sẽ luôn cố gắng giữ điều này. Tương lai chúng ta phải có một trung tâm quốc tế để chúng ta có thể thu hút được người học đến từ khu vực, thậm chí trên thế giới.

TP.HCM với tư cách là một trung tâm đầu tàu về kinh tế của cả nước thì nguồn lực về con người là một trong những nguồn lực quan trọng nhất. Việc chúng ta có một hệ thống giáo dục mạnh sẽ giải quyết được cơ bản vấn đề này.

Vậy thì, lãnh đạo TP.HCM sẽ làm gì để tạo “bệ phóng” cho phụ huynh, cho học sinh, nhất là chúng ta còn rất nhiều gia đình khó khăn ở thành phố này?

Điều mà TP.HCM mong muốn, đặc biệt ở phổ thông, là tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để cho tất cả các em ở trong lứa tuổi đi học được tiếp cận với giáo dục tốt nhất có thể. Cũng chính vì vậy, nếu mà chúng ta để ý thì ngay trong chính sách về mặt tài chính, về mặt học phí thì từ trước đến nay TP.HCM luôn áp dụng mức học phí thấp nhất có thể và TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên đề nghị được phép áp dụng là miễn học phí ở cấp THCS. Như chúng ta biết là chính sách là miễn học phí tiểu học là đã có, gần đây thì Bộ GD-ĐT có đề xuất là miễn học phí cho THCS. Nhưng thực ra TP.HCM đã đề xuất cái này hơn mười năm trước rồi.

Tuy nhiên, TP.HCM là một địa phương của Việt Nam thì luôn luôn phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Do đó, khi mà xây dựng các chính sách thì TP.HCM một mặt là áp mức thấp nhất, mặt khác là luôn luôn đề xuất các chính sách hỗ trợ cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Nguồn: https://thanhnien.vn/pho-chu-tich-duong-anh-duc-dang-sau-nhung-quyet-dinh-lich-su-co-mot-khong-hai-post1490574.html