Với niềm đam mê cháy bỏng từ thuở nhỏ cộng năng khiếu bẩm sinh, Dương Ngọc Hùng sớm bước vào làng bóng đá đỉnh cao và trở thành thủ môn để lại nhiều dấu ấn nhất trên sân cỏ cả nước.
Một thời thăng hoa
Trầm tĩnh, chân thành nhưng tràn đầy nhiệt huyết với nghề, đó là cảm nhận chung của không ít người khi mới gặp gỡ thủ môn tài hoa Dương Ngọc Hùng. Bộc bạch về một thời thăng hoa vào thập niên 80 thế kỷ trước, ông chỉ vắn tắt: “Có lẽ cũng nhờ may mắn!”. Thế nhưng nếu chỉ may mắn thôi rõ ràng chưa đủ mà còn phải qua khổ luyện. Sự khổ luyện với những bài tập mà sau này ông đã truyền thụ lại, góp phần đào tạo nên những cái tên Nguyễn Văn Cường, Trần Minh Quang, Tô Vĩnh Lợi…
Chưa từng qua trường lớp năng khiếu về thể thao, khi mới tốt nghiệp phổ thông vào năm 1978, Dương Ngọc Hùng được tuyển thẳng vào đội Nghĩa Bình. Ông kể: “Hồi đi học chỉ tham gia đội bóng của trường, giữ gôn cho vui, cũng chưa nghĩ sẽ được thi đấu đỉnh cao. Một thời gian ngắn sau khi được giữ vị trí thủ môn của đội bóng thị xã Quy Nhơn, đi thi đấu thành công với các đội trong tỉnh, tôi mới được chú ý”. Được góp sức cùng với các bậc đàn anh như Phan Kim Lân (Lân vẽ), Tống Anh Hoàng (Hoàng A), Đặng Gia Mẫn…, đội bóng Nghĩa Bình mà Dương Ngọc Hùng là thủ môn bắt chính nhanh chóng khẳng định uy thế. Năm 1980, Nghĩa Bình là một trong 2 đội bóng ở miền Trung (cùng với Phú Khánh) tham gia giải A1 toàn quốc lần đầu tiên. “Năm 1979 khi mới 19 tuổi, tôi đã tham gia trận đá giao hữu với CLB Quân đội trên sân Quy Nhơn. Lúc đó đối thủ mạnh lắm nhưng chung cuộc Nghĩa Bình thắng 2-1. Tôi đã chơi rất sung và sau trận đấu, tiền đạo Nguyễn Cao Cường đến bắt tay chúc mừng và chúng tôi kết bạn từ đó đến nay”, ông nhớ lại.
Nhận xét về đồng đội cũ, cựu tuyển thủ Phan Kim Lân không tiếc lời khen: “Dương Ngọc Hùng là một trong những thủ môn xuất sắc nhất cả nước. Thể hình tuy chưa lý tưởng lắm, nhưng nhờ phản xạ linh hoạt, sức bật tốt, tầm hoạt động bao quát và quán xuyến được khu vực 16m50, nên trận nào có Hùng bắt gôn, anh em thi đấu tấn công rất hăng”. Một biệt tài mà rất nhiều tiền đạo khi nói về Dương Ngọc Hùng đều phải công nhận: đó là khả năng cản phá các quả phạt đền. Ông nói: “Tôi không nhớ đã cản phá được bao nhiêu quả phạt đền. Nhưng khi đứng trước cú sút 11m, tôi thường rất tập trung và quan sát chân chạy cũng như động tác đổ người sút của đối phương để phán đoán. Thường thì phần thắng thuộc về tôi nhiều hơn…”.
Nhờ sức trẻ và tài năng, Dương Ngọc Hùng sớm được gọi vào đội tuyển Thanh niên VN, và trở thành người giữ thành gắn bó lâu nhất (từ 1979 – 1987). Trong khoảng thời gian này, sự nghiệp thủ môn tưởng chừng như chấm dứt khi ông chẳng may bị gãy tay trong trận đấu với Sở Công nghiệp TP.HCM vào năm 1984. “Pha bóng ấy tôi vẫn còn nhớ mãi: cầu thủ Lê Thành Minh (tức Minh quắn) sút bật chân hậu vệ Nghĩa Bình, bóng đổi hướng buộc tôi phải chuyển hướng đột ngột nên xảy ra sự cố gãy tay trái. Lúc đó tôi nghĩ sự nghiệp mình sẽ chấm dứt nên sau đó đã trao lại áo thủ môn đội tuyển dự SKDA cho Trần Văn Hiệp (Sở Công nghiệp). Phải mất hơn 1 năm, nhờ ý chí và sự động viên của các bậc đàn anh, đến tháng 10.1985, tôi quay lại sân cỏ”.
Kỷ niệm tuyệt vời nhất mà Dương Ngọc Hùng nhớ mãi là trận gặp đội Quân đội Liên Xô vào năm 1980 tại Moscow. Trận đấu kết thúc với tỷ số hòa 0 – 0. Thủ môn huyền thoại Lev Yashin có đến dự khán, và từ khán đài đã bước xuống bắt tay chúc mừng thủ môn trẻ đến từ VN…
Muốn mở lò đào tạo thủ môn
Sau mùa giải 1990, Dương Ngọc Hùng từ giã vị trí thủ môn để theo học Đại học TDTT. Nhưng chưa dứt niềm đam mê nghiệp “quần đùi áo số”, ông được HLV đội Bình Định Phan Kim Lân mời làm HLV phó, phụ trách huấn luyện thủ môn. Ông bộc bạch: “Một VĐV giỏi chưa hẳn trở thành một HLV giỏi, nhưng tôi ít nhiều cũng vượt qua được điều này. Có lẽ kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao nhiều năm và kỹ năng sư phạm đã giúp tôi thành công với vai trò huấn luyện, đặc biệt là huấn luyện thủ môn”. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Dương Ngọc Hùng đã góp phần đào tạo, giới thiệu nhiều cái tên trở thành thành viên chính thức của đội tuyển quốc gia. Khi đội tuyển quốc gia có HLV nước ngoài dẫn dắt, Dương Ngọc Hùng cũng được mời làm trợ lý chuyên huấn luyện thủ môn, liên tục từ thời HLV Weigang (1996) đến Dido (2001). Khi Bình Định thiếu HLV, ông chủ động xin về “cùng góp sức xây dựng đội bóng quê nhà, tham gia tranh tài tại V-League”.
Nhắc lại sự cố “mất chức” HLV trưởng đội Bình Định vào cuối mùa bóng 2007, ông tâm sự: “Lúc nhận thông báo, tôi chỉ bất ngờ chứ cũng không nuối tiếc gì nhiều. Thú thật lúc đó, tôi chỉ đau khi bị công bố quyết định ngay ngoài sân bóng trước mặt học trò, trong khi lẽ ra mọi việc có thể giải quyết trong cuộc họp. Nhưng cũng nhờ “mất chức”, tôi có thời gian chiêm nghiệm về tình cảm con người, cơ chế chuyên nghiệp cũng như học hỏi được nhiều điều bổ ích khi làm việc tại Hoàng Anh Gia Lai. Thành công của đội bóng là công sức của cả tập thể, không hẳn vì nhờ có tôi; quan trọng nhất vẫn là phong độ thi đấu của các cầu thủ trên sân”.
Trở lại nắm giữ vai trò HLV trưởng sau khi Bình Định xuống hạng, gánh nặng trên vai người thủ môn tài hoa này là đưa đội bóng đất võ sớm trở lại đấu trường V-League. Sau 17 vòng đấu ở giải hạng nhất, Bình Định đang có nhiều lợi thế. “Tất cả còn ở phía trước. 9 vòng còn lại, sự cạnh tranh rất khốc liệt nên cũng chưa dám chắc được điều gì. Hy vọng mọi chuyện sẽ tiến triển như dự định”, Dương Ngọc Hùng nói.
Sau bao thăng trầm trong sự nghiệp, Dương Ngọc Hùng vẫn còn đau đáu ước mơ mở trung tâm đào tạo, huấn luyện thủ môn. Ông nói: “Tôi ấp ủ ý tưởng về lò luyện thủ môn này lâu rồi. Tôi muốn đào tạo lớp kế thừa là những thủ môn giỏi về nghề, tốt về đức để bóng đá VN luôn có những thủ môn xuất sắc”.
Nguồn: Báo Thanh niên
Dương Ngọc Hùng sinh ngày 1.11.1960 tại Quy Nhơn; thủ môn đội tuyển quốc gia từ 1979 – 1987; làm trợ lý phụ trách huấn luyện thủ môn đội tuyển quốc gia và đoạt hạng ba Tiger Cup 1996 tại Singapore (thời HLV Weigang), HC đồng SEA Games 19 tại Indonesia (thời HLV Collin Murphy), HC bạc Tiger Cup 1998 tại VN và SEA Games 20 tại Brunei (thời A.Riedl); vô địch Cúp quốc gia 2004 – 2005, HC đồng V-League 2006 trong vai trò HLV trưởng đội Bình Định… |