Nhà báo Dương Xuân Nam: Cả đời chật vật lựa lời nói sự thật

Nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh (Dương Xuân Nam) một Tổng biên tập tại vị 21 năm, đưa tờ Tiền phong trở thành một trong những tờ báo hàng đầu cả nước. Một tờ báo không chỉ làm đổi mới nghề báo mà còn góp phần tác động làm đổi mới xã hội.

 Gặp nguyên Tổng biên tập Báo Tiền phong – ông Dương Xuân Nam – trong một ngôi nhà sàn giả gỗ nằm cuối con đường hun hút dưới hàng thông gần khu Lâm Trường Sóc Sơn. Mấy ngày Hà Nội mưa liên tục, nước trên đồi chảy xuống con ngõ dẫn vào nhà ông rêu phong, trơn trượt. Ông Dương Xuân Nam phong thái giản dị, sống như người ẩn dật giữa vườn cây bốn bề xanh mướt.

Vừa gặp, ông đón tôi bằng cái bắt tay thân thiện. Đây là lần đâu tiên gặp ông nhưng giữa chúng tôi dường như không có khoảng cách. Vẫn mái tóc bồng bềnh che phủ một phần vầng trán rộng. Ông cười hiền hậu.

Cuộc trò chuyện với ông khá thoải mái, ông dốc hết bầu tâm sự về đời về nghề. Thỉnh thoảng xen lẫn những câu trả lời là tiếng cười sảng khoái và những vần thơ đầy triết lý của ông .

Thưa ông, một Tổng biên tập (TBT) có 21 năm, đưa một tờ báo “nghèo” thành một “tờ báo đại gia”. Xin ông cho biết, khi đó ông đã làm như thế nào?

Năm 1987, từ Phó Tổng biên tập báo Tiền phong sau khi được bầu vào ban thường vụ TU đoàn,  tôi được tổ chức phân công làm Tổng biên tập, sự việc cũng tuần tự từng bước một, khi đó tôi chưa đến 40 tuổi. Hôm phát biểu nhận nhiệm vụ TBT tôi chỉ nói với anh em 2 điều: Thứ nhất, dù làm TBT 1 ngày hay 1 tháng tôi cũng sẽ làm theo cách của mình. Thứ hai, nếu anh em nào không muốn sát cánh cùng tôi, tôi cũng sẵn sàng để họ chuyển sang tờ báo khác .

Báo Tiền phong lúc đó in bằng giấy đen, không có nhiều độc giả. Tài khoản tiền gần như trống rỗng, anh em làm báo lúc đó nghèo. Đến tôi, hồi đó cũng không có nổi chiếc xe đạp Thống Nhất để đi. Chỗ ở cũng không có, đêm đến tôi phải nằm  ngủ trên bàn làm việc . Tôi thường ngâm ngợi câu thơ : “Đời anh quá nửa nằm bàn/ Nằm bàn thì có mắc màn được đâu”- Thơ Phan Trung Việt.

Thấy anh em nghèo ban biên tập chúng tôi nghĩ phải làm cái gì đó. Đầu tiên, chúng tôi liên kết với bên Tòa án Nhân dân Tối cao ra phụ san: “Những vụ án tình yêu”. Phụ san bán chạy như tôm tươi. Rồi kết hợp với Thành đoàn Hà Nội ra phụ trương về tuổi trẻ và tình yêu … Phụ san bán chạy, có tiền cho anh em nhưng cũng suýt bị thu hồi. Trong lúc đó, chúng tôi cũng làm đủ thứ để anh em có thu nhập như in sổ sách cho cục hải quan, làm bột giấy…

Ngay sau đó một năm, 1988, Báo Tiền phong đã mở cuộc thi hoa hậu. Sau đó là quyết tâm đa dạng hóa các ẩn phẩm như ra tờ “ Người đẹp Việt Nam” “ Tiền phong chủ nhật”

“Tri thưc trẻ” “ Tiền phong cuối tháng” rồi thành lập Công ty Cổ phần Tiền Phong với hàng loạt nhà sách có uy tín … Nhờ những đổi mới mạnh mẽ này mà ban đọc đến với Tiền phong ngày một nhiều …

Ý thức được nhân tố con người trong sự phát triển của báo, chúng tôi tổ chức thi tuyển phóng viên công khai. Đây cũng là lần đầu tiên một tờ báo ở Việt Nam tổ chức thi tuyển như vậy .

Rồi chúng tôi mở diễn đàn như:  “ Sống hiện đại, Yêu hiện đại”  “Nếu tôi là lãnh đạo”. Diễn đàn này đã khơi dậy cái tôi chân chính của thanh niên đã được thanh niên hưởng ứng mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, chúng tôi đi sâu vào số phận những con người. Như viết loạt bài “Hai ngàn ngày oan trái” minh oan cho anh Nguyễn Sĩ Lý bị kết án giết người. Những loạt bài này không chỉ khiến độc giả hưởng ứng mà còn bảo vệ số phận con người nhất là những người trẻ tuổi khỏi oan trái. Trước đó, chưa có 1 tờ báo nào ở ta viết ra những vụ việc như vậy.

Từ những bước đi táo bạo đó, chúng tôi đã có những bứt phá trong làng báo để đưa tờ Báo Tiền phong từ chỗ ít người đọc trở thành tờ báo được bạn đọc yêu mến.

duong xuan nam
Nguyên Tổng biên tập Báo Tiền phong Dương Xuân Nam. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Trong hành trình đó, ông thường xuyên vấp phải lực cản nào?

Khi Báo Tiền phong có nhưng bước đi mới đã vấp phải rất nhiều lực cản. Có thể chia thành 2 nhóm lực cản như sau:

Thứ nhất, đó là cơ chế. Cơ chế quan liêu bao cấp vẫn còn đè nặng xã hội. Vì cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp đè nặng nên sinh ra tư tưởng bảo thủ , giáo điều , lạc hậu, không dám đổi mới, sợ đổi mới. Khi có những đổi mới thì ngăn trở, phê phán, kìm hãm.

Thứ 2, những tiêu cực trong xã hội, các nhóm lợi ích cấu kết với nhau.

Ông có thể kể những câu chuyện cụ thể được chứ?

Khi chúng tôi tổ chức thi hoa hậu năm 1988, bị nhiều người , nhiều thế lực quy cho cái tội chết người lúc đó là “ Tuyên truyền lối sống Mỹ”. Họ cho rằng thi hoa hậu là tuyên truyền lối sống tư bản…

Ngay việc chúng tôi tổ chức thi tuyển phóng viên công khai cũng bị nhắc nhở.

Bài vở bị kiểm tra, nhắc nhở liên tục. Không chỉ nhiều vị lãnh đạo ngày ấy, mà ngay cả những quan chức về hưu cũng viết thư phản đối về những việc làm mới của chúng tôi.

Trước những lực cản đó, theo ông, làm như thế nào để báo vẫn chống tiêu cực mà vẫn bảo đảm an toàn cho phóng viên?

Tôi nghĩ, cơ bản nhất là phải chống tiêu cực với mục đích trong sáng. Chống tiêu cực với mục tiêu trong sáng, mục tiêu làm trong sạch xã hội, bảo vệ niềm tin của xã hội. Để tiền bạc của dân của nước không bị thất thoát, không bị chảy vào túi cá nhân phi pháp. Tuyệt đối không vì mục đích vụ lợi cá nhân.

Bên cạnh đó, phải đảm bảo khách quan trung thực phải có “chứng cứ pháp lý”. Nói phải có cơ sở, có bằng chứng giấy tờ văn bản, có ghi âm, ghi hình… Tôi lấy ví dụ thế này, vụ PMU 18, cũng có nhiều báo đưa tin sau này kết luận không chính xác. Không phải họ bịa ra thông tin đó. Có người cung cấp nhưng vì thiếu bằng chứng pháp lý.

Hay vụ khác, vụ tiền Polime, Báo Tiền phong cũng đưa tin nhưng chúng tôi kiên quyết chỉ đăng những thông tin có bằng chứng pháp lý. Vì thế Báo Tiền phong “bình an vô sự”.

Lưu ý thứ 3, Ban Biên tập, đứng đầu là Tổng Biên tập phải luôn sát cánh cùng anh em phóng viên, quan tâm đến anh em. Khi sự cố xảy ra phải luôn đứng cùng anh em. Phải gần gũi, đứng cùng, chịu trách nhiệm cùng với anh em mới bảo vệ được anh em.  Phải bảo vệ những phóng viên tích cực chống tiêu cực.  Để cho họ yên tâm chống tiêu cực.

Cuối cùng, đứng trước bất cứ tình huống nào, Tổng biên tập phải sẵn sàng đối mặt, không né tránh.

Vậy có lần nào, Báo Tiền phong thoát hiểm trong gang tấc?

Có 3 lần thoát hiểm trong gang tấc. Tôi kể một vụ, đó là vụ hợp đồng dầu khí.  Báo đã bị khởi tố về tội làm lộ bí mất quốc gia. Nhưng chúng tôi đã chỉ ra, tài liệu mà chúng tôi sử dụng không có dấu mật. Thông tin chúng tôi đưa là trung thực khách quan. Viện kiểm sát đã phải rút lệnh khởi tố. Kết quả, mấy năm sau,  một số người làm sai trong ngành dầu khí, lập hợp đồng ma để tham ô phải trả giá trước pháp luật.

Khi phóng viên bị khởi tố, tâm trạng của ông thế nào?

Trong thời gian tôi làm TBT, có 3 lần PV và Báo bị khởi tố. Nói không lo thì không đúng, nhưng tôi và BBT   phải động viên nhau hết sức bình tĩnh, sẵn sàng đối mặt.

Báo thuê luật sư tin cẩn, xem xét mọi khía cạnh, phân tích chi tiết sự việc kỹ càng. Nhận thức rõ cái sai, cái đúng của từng chi tiết trong bài báo.

Tâm niệm của tôi, mình không làm việc gì xấu, vì mục địch chung tốt đẹp thì mình không phải lo ngại. Tôi nghĩ, định hướng cho báo và anh em phóng viên chống tiêu cực với công thức: “Mục tiêu trong sáng + Nói đúng + Đầy đủ chứng cứ pháp lý = sẽ luôn bình tĩnh đối mặt đấu tranh chống tiêu cực“.

Kết quả, cả 3 lần Báo Tiền phong đều thắng. Thời tôi làm TBT, chưa có phóng viên nào phải đi tù. Cả 3 vụ khởi tố phóng viên và Báo Tiền phong hồi đó đều không liên quan đến yếu tố vụ lợi.

Ông có nghĩ rằng sức chiến đấu của báo chí hiện nay đang giảm đi không?

Tôi có cảm tưởng, hiện nay, báo chí ngại chống tiêu cực. Cũng có thể, tiêu cực, tham nhũng ngày càng tinh vi hơn, cấu kết với nhau chặt chẽ hơn. Chính vì ngại chống tiêu cực nên báo chí thiên sang giật gân câu khách mà không dám đấu tranh bảo vệ con người, phản biện xã hội một cách mạnh mẽ. Tôi rất tâm đắc với nhận định của Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp: “Báo chí phải là cái phanh của xã hội, kiềm chế quyền lực”. Thực tế, quyền lực không được kiểm soát sẽ rất nguy hiểm. Tôi cho rằng vụ việc Vinashin, Vinaline là do quyền lực không được kiểm soát hoặc kiểm soát không hiệu quả dẫn đến tự tung tự tác. Tự tung tự tác đến mức Chính phủ không cho mua tàu cũ, vẫn đổ tiền ra mua …  Đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng chính là bảo vệ uy tín quốc gia, bảo vệ cơ hội quốc gia, bảo vệ mồ hôi, nước mắt của người dân.

Phải chăng, nhà báo hiện nay “hèn” hơn trước?

Tôi không dám nói từ đó. Thời nào chẳng có những nhà báo dũng cảm… Không ở khía cạnh này thì ở khía cạnh khác… Nhưng họ ít đương đầu với tham nhũng vì nhiều lý do. Nhưng theo tôi, người làm báo không thể: “giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha …”

Tôi cho rằng, rất cần có cơ chế cho người làm báo chân chính. Phải có cơ chế khuyến khích cho họ, tạo điều kiện cho họ toàn tâm toàn ý chống tiêu cực. Một thực tế, người làm báo chống tiêu cực chân chính hiện nay rất thiệt thòi. Luôn bị gây sức ép từ người có thế lực, bị khủng bố, bị uy hiếp bằng những chiêu trò… Đối với đồng nghiệp thì bị “đánh đồng”, bị nghi ngờ với viết hội đồng, được thuê viết…

Trước những sức ép như vậy, Báo Tiền phong luôn dám xông pha, hỏi thật ông, khi còn làm Tổng biên tập, ông có bao giờ lo mất ghế không?

Tôi ít khi nghĩ đến cái ghế TBT. Tôi chỉ sợ mình làm sai, làm những việc trái với nguyên tắc làm báo. Ngay từ ngày đầu tiên tôi nhận chức TB, tôi đã nói với anh em: “Làm TBT một ngày hay một tháng tôi cũng sẽ làm theo cách của tôi”.

Nhưng ở đời, không phải lúc nào cũng được lòng hết mọi người, khi anh có một danh phận gì đó thì sẽ có nhiều người ganh ghét hơn. “Đi vào trong láo nháo cuộc đời/ Mới biết chúng ta nhầm lẫn cả” (bất giác ông đọc 2 câu thơ để nói hộ mình-PV)

Cả đời tôi chật vật học cách nói thật, nói thật trong văn chương, nói thật trong báo chí … Đó cũng là 2 câu thơ mà con gái tôi, cháu Dương Anh Xuân viết về tôi,  trong tập thơ “ Ngày cười”  :“Chật vật cả đời/ học cách lựa lời nói thật

Để chia sẻ với những đồng nghiệp còn đang “chiến đấu” với nghề báo, ông sẽ lưu ý những vấn đề gì?

Chia sẻ với đồng nghiệp hiện nay, tôi chỉ muốn nói một điều. Làm báo vốn đã khó, làm báo hiện nay lại càng khó. Bởi, Nghề báo là nghề nguy hiểm. Nguy hiểm vì nhà báo là người nói thật và bày tỏ chính kiến của mình trước sự thật. Nói thật cũng đã rất nguy hiểm. Bày tỏ chính kiến của mình trước sự thật còn nguy hiểm hơn. Đó là những gì tôi muốn chia sẻ với đồng nghiệp vẫn còn tại vị, vẫn còn gánh nhiệm vụ trên vai.

Hồng Chuyên (thực hiện)

Infonet.vn